25 thg 6, 2011

Nghiệp báo: "Đường xa vạn dặm"


(TuanVietNam) - Có muôn vàn những mơ ước và tham vọng mà các nhà báo trẻ mang vào công việc, và cũng sẽ có muôn vàn những trở ngại và bất ngờ chờ đợi phía trước. Nhà báo kỳ cựu Samuel Freedman chia sẻ những điều thực tiễn và căn cốt về "nghề nguy hiểm" qua cuốn sách Thư gửi nhà báo trẻ .
Tên sách: THƯ GỬI NHÀ BÁO TRẺ (Nghệ thuật của sự cố vấn)
Tác giả: Samuel G. Freedman
Dịch giả: Trịnh Thanh Thuỷ
Phát hành: VNN Publishing & NXB Tri thức


*****

Samuel G. Freedman là cựu nhà báo của tờ New York Times, ông cũng là giáo sư, giảng dạy bộ môn báo chí trong suốt 30 năm tại trường Báo chí Columbia, cũng bởi vậy mà hiểu biết và kinh nghiệm về báo chí của ông có thể nói rất đa dạng và phong phú. Những câu chuyện minh hoạ của ông đem lại ấn tượng bởi tính chân thực và tác dụng giải nghĩa cao.

Bằng việc xâu chuỗi các sự kiện không thể quên của nền báo chí Mỹ, trong đó có cả những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, tác giả đã bắt đầu bức thư của mình…

Nhà báo trẻ là những con người trẻ tuổi mang trong mình tràn đầy nhiệt huyết và đam mê, cái họ thiếu chính là những trải nghiệm, họ có nhiều lý thuyết nhưng lại rất ít thực tế khi bắt đầu chắp bút tiến vào nghiệp báo.
Sứ mệnh của "người môi giới thông tin thật thà"
Với quan điểm cho rằng nhà báo chính là người môi giới thông tin thật thà, đưa tin một cách siêng năng, coi trọng sự chính xác và thông tin được viết ra không hề nghiêng về đảng phái nào, tác giả Freedman chỉ ra những học thuyết này đã cũ, mặc dù nó là cơ bản, là nền tảng, ví như ở một quốc gia phức tạp như Mỹ, nghề báo hiện nay bắt đầu được chính trị hoá một cách công khai và là một nghề kinh doanh đầy ngoan cố.
Tất nhiên là một nhà báo phải luôn có những nhận xét, đánh giá về sự việc để định hướng cho độc giả cái nhìn khách quan nhất, bởi họ là người được công chúng đặt niềm tin, và bởi niềm tin ấy, các nhà báo tuyệt nhiên không được để những cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc. "Điều quan trọng là họ phải tin rằng họ có thể vượt qua những khuynh hướng riêng của mình, điều chỉnh được những đánh giá của mình, để có thể điều tiết được những gì mình đã được học trong nghề làm báo."
Trong thư, G. Freedman khẳng định nghề báo là nghề nghiệp đạo đức, điều này không có gì để bàn cãi cả, có lương tâm và có phẩm hạnh đạo đức không hoàn toàn giống nhau: "Tôi không kêu gọi bạn bới móc và than vãn về sự yếu đuối, bạc nhược của loài người. Tôi kêu gọi bạn đóng vai trò chứng nhân. Tôi thúc giục bạn đánh dấu và tôn vinh những khoảnh khắc đạt thành tựu trong cuộc đời con người..Tôi muốn bạn kể câu chuyện..."

Để trở thành một nhà báo có đạo đức, bạn luôn cần có lòng nhân đạo, tuy nhiên, lý tưởng khách quan kêu gọi nhà báo khách quan không thành kiến với bất cứ ai mà họ viết, nhưng có một điều cần lưu ý, rằng lòng nhân đạo không phải là khách quan mà là chủ quan. Tuy vậy, nghề báo là nghề truyền cảm xúc chứ không phải là nghề tiêu diệt cảm xúc, vì thế hơn ai hết, các nhà báo cần cân bằng yếu tố cảm xúc và yếu tố khách quan.
"Cạm bẫy" cảm xúc
Một trong những cạm bẫy lớn nhất đối với một Nhà báo trẻ là cảm xúc, dù cho đó là cảm xúc tội lỗi hay cảm xúc của lòng trắc ẩn. Khi bạn chỉ ra mà không nói, khi bạn viết bài với danh từ và động từ, khi bạn tin tưởng vào việc sử dụng những từ cụ thể và khả năng thấu hiểu chúng của người đọc, bạn sẽ sở hữu cảm xúc thay vì để cảm xúc đó sở hữu bạn.
Và câu chuyện về 2 bức ảnh đoạt giải mà tác giả dùng để minh hoạ cho quan điểm của mình sẽ cho chúng ta góc nhìn cận cảnh hơn về tính nhân đạo đúng đắn trong nghề báo:

Nếu bạn nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng trông thấy bức ảnh một cô bé người Việt là nạn nhân của đợt ném bom napalm của quân đội Mỹ, cô bé vừa ở trền vừa chạy vừa la khóc kinh hoàng.

Hình ảnh đau thương của cô bé đã góp phần không nhỏ làm gia tăng dư luận phản đối chiến tranh ở Mỹ và nó cũng đem lại giải thưởng Pulitzer cho phóng viên ảnh Nick Ut của Associated Press.
Rất ít người biết rằng sau khi chụp ảnh cô bé, cô Phan Thị Kim Phúc, Nick Ut đã đưa cô lên chiếc xe buýt nhỏ, yêu cầu chở đến bệnh viện và xin bác sĩ cứu chữa cho cô ngay lập tức. Chỉ sau khi Kim Phúc lên bàn phẫu thuật, phóng viên Ut mới về cơ quan AP để nộp cuộn phim anh đã chụp. 28 năm sau, trong một buổi lễ trước mặt Nữ hoàng Anh, Kim Phúc đã nói về Ut: "Anh ấy đã cứu sống tôi."
Một bức ảnh khác đoạt giải thưởng đã chụp cảnh nạn đói ở Sudan năm 1993. Bức ảnh chụp cảnh một em bé chập chững biết đi đã lả người khi cố gắng lết tới trạm phân phát lương thực. Trong khi đó ở phía sau, một con kền kền cũng đang chờ sẵn.
Giống như Nick Ut, Kevin Carter, nhà báo tự do, người đã chụp bức ảnh này, đã làm dấy lên làn sóng công luận mạnh mẽ với bức ảnh. Điều này đã dẫn đến việc tổng thống Bill Clinton đưa quân đội Mỹ đến thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại những vùng này. Và một điểm nữa giống với Nick Ut là Kevin Carter cũng vinh dự nhận giải thưởng Pulitzer.
Tuy nhiên không như Ut, anh đã không can thiệp để cứu đứa bé trong bức ảnh. Một người bạn thân của nhà báo Carter, David Beresford ở báo The Guardian Anh quốc, nhớ lại khi hỏi nhà báo này: "Anh đã làm gì với đứa bé?" Carter đã trả lời: "Không gì cả, ở đó có hàng ngàn đứa bé như vậy." Những lần khác khi được hỏi, Carter đã trả lời rằng anh đã đuổi con kền kền đi và anh đã khóc hàng giờ liền sau khi chụp bức ảnh.
Chưa đến 4 tháng sau khi được giải thưởng Pulitzer, Carter đã tự sát.
Freedman cho rằng với bức ảnh thứ nhất, chính Ut đã cứu sống Kim Phúc và cũng đồng thời cứu vớt chính tâm hồn anh ấy. Nick Ut là minh chứng cho một nhà báo nhân đạo, bởi trước khi trở thành một nhà báo, anh ấy đã là một con người có tấm lòng cao cả, và vì thế anh ấy xứng đáng được vinh danh.
Còn Carter, phải chăng khi quyết định tự kết liễu đời mình anh đã thú nhận một điều, rằng cái ngày mà anh chụp bức ảnh, anh đã đặt phẩm chất nhà báo trong anh cao hơn lòng nhân đạo?
Nghiệp báo: "Đường xa vạn dặm"
Bản chất của nghề báo là những bài viết, trong đó là thông tin, là ý kiến đánh giá và định hướng độc giả. Điều khó khăn luôn là có thông tin, có ý kiến đánh giá rồi, nhưng làm sao để viết thành một bài hoàn chỉnh, lại mang văn phong của riêng mình bạn thôi?
Đó tất yếu là sự trau dồi và luyện rèn của bản thân các nhà báo trẻ, vốn dĩ họ đã là một điều hoàn toàn khác, vì lẽ đó mà G. Freedman khuyên rằng, các nhà báo trẻ khi lấy tin về, hãy trở thành một nhà văn chân chính nhất với sự tự tin của chính họ trong việc dùng động từ gì, danh từ nào cho chính xác.
Đó chính là bí quyết tiềm ẩn vốn đã tồn tại trong mỗi nhà báo, qua thời gian tu rèn, họ mài sắc giọng văn và tự khi nào không biết, họ trở thành tiếng nói của công chúng và kể chuyện của công chúng, cùng thăng trầm với những thành công và thất bại trước công chúng.
Thư của Samuel G. Freedman dài và kén người đọc, có đôi khi chạm vào từng câu chữ nhưng lại thấy mình như chưa hiểu gì. Nhưng bởi báo chí vốn vẫn là một lĩnh vực mênh mông, vậy nên việc tìm hiểu và nghiên cứu là chưa bao giờ đủ, đó là một con đường dài với rất nhiều những trở ngại, những bất ngờ cần tiếp tục khám phá.
Và đúng như lời kết của Freedman: "Cuốn sách này không phải là một cuốn sách giáo khoa, một cuốn sách về lịch sử hay một tác phẩm phê bình phương tiện truyền thông, mặc dù tất cả các yếu tố đó đều lần lượt xuất hiện trong sách."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét