5 thg 5, 2011

Những người đàn bàn độc ác nhất lịch sử


Tác giả: Shelley Klein

Dịch giả: Phan Thu Trang – Tín Việt

Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân

Năm sản xuất: 2010


GIỚI THIỆU


Người đàn ông không biết đến những phụ nữ xấu thì chưa hiểu phụ nữ.
S. WEIR MITCHELL

Kể từ khi Eva lần đầu tiên vặt quả táo tai ương từ Cây biết điều thiện và điều ác ở vườn Địa đàng, người phụ nữ đã có điều kiện tận hưởng hay nếm trải (tùy theo quan điểm của bạn) sự phân chia nhân cách. Với tư cách là người nuôi dạy con cái, là giới tính mà việc chăm sóc người khác đã trở thành thiên chức thứ hai, người phụ nữ luôn được ca ngợi là giới tính cao quý hơn, đẹp đẽ hơn và cũng yếu mềm hơn, nhưng nếu một người phụ nữ không làm đúng chức phận của mình để rồi phạm phải những tội lỗi mà thông thường đàn ông mới là người phải chịu trách nhiệm thì họ sẽ không chỉ đánh mất thanh danh của mình vì chính hành động đó mà còn tự bôi nhọ vai trò là phụ nữ của mình. Làm sao người phụ nữ có thể làm một việc tồi tệ như thế? Người ta than oán nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ luôn cho rằng Làm sao một người phụ nữ có thể làm một việc tồi tệ đến vậy? Nhưng có chắc rằng điều này là bất thường hay không? Và cũng có chắc rằng người phụ nữ phạm vào những tội tày trời đó phải mang dáng dấp của loài ác quỷ hay không?
Cuốn sách này viết về mười lăm người phụ nữ mà tội ác của họ, không lúc này thì lúc khác, được coi là vết đen trong lịch sử. Từ các Nữ hoàng trong đế chế La Mã tới những người con giàu lòng đố kị hay những bà vợ hay cáu gắt, tất cả những người phụ nữ này đều là người gây ra những tội ác khủng khiếp. Từ trước tới nay, người ta thường chỉ tranh cãi về việc có phải vì những kẻ tội đồ này là phụ nữ nên họ bị chỉ trích nhiều hơn những người đàn ông phạm tội tương tự hay không mà chưa từng đề cập tới bản chất xấu xa của chính các tội ác.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã xét đến điều đó thì ta vẫn phải nhóm câu chuyện của những người phụ nữ này vào các danh mục hạn hẹp hơn dù biết rằng cách sắp xếp này quá rộng và còn nhiều thiếu xót, vì ta có thể lập luận rằng hành vi của một số phụ nữ trong số này lẽ ra phải được xếp vào một danh mục khác thay vì cách nhóm ban đầu. Tuy thế, cũng hợp lý khi ta xếp Lizzie Borden và Audrey Marie Hilley vào nhóm những phụ nữ phạm tội “vì tiền”. Hoàng hậu La Mã Messalina và Agrippina con cùng Từ Hi Thái hậu của Trung Quốc được xếp vào nhóm “những người lãnh đạo lắm mưu đồ và toan tính” mặc dù họ có nhiều điểm tương đồng với “kẻ thù của nhân loại” như Catherine II vĩ đại của Nga, nữ hoàng Ranavalona I của Madagascar và Elena Ceausescu. Trong khi đó, Mary Ann Cotton, Marie Noe và Rose West đều được nhận định là “người mẹ độc ác” – những người xấu xa nhất mà ta không ngạc nhiên khi độc giả chưa hiểu thấu đáo về họ – còn những người phụ nữ khác không khác gì “nạn nhân của giới truyền thông” và định kiến của xã hội, điều mà cả Grace Marks và Aileeen Carol Wuornos đều nắm chắc trong tay hoặc có tầm ảnh hưởng lớn – nếu họ chưa chết. Cuối cùng là những người phụ nữ như Myra Hindley và Karla Homolka; vì quá phục tùng bạn tình mà họ thoái hóa về nhân cách để rồi phạm tội hoặc tiếp tay cho những tội ác dù chúng thật khủng khiếp nhằm mục đích duy trì mối quan hệ gắn bó với người tình. Những người phụ nữ này, trong cả hai trường hợp, đều có bạn tình là nam giới, và động cơ của họ là điều không khó để nhận ra. Trong cuốn sách này, tôi sẽ đề cập tới các nhân vật theo các nhóm trên thay vì sắp xếp câu chuyện của họ theo thứ tự thời gian, vì suy cho cùng, cách sắp xếp đó không thể giải thích cặn kẽ về bản chất của những người phụ nữ này cùng các tội ác của họ.
Hung bạo và tàn độc là đặc trưng của những tội ác được đề cập chi tiết trong cuốn sách này. Chúng hoặc dính líu tới tội cưỡng dâm và tra tấn hoặc liên quan tới độc dược như thạch tín; những hành động được miêu tả trong cuốn sách này chẳng có gì đẹp đẽ hay hay ho. Nhưng như đã nói, làm sao ta có thể so sánh hành vi tội ác của nữ hoàng bài ngoại Madagascan với một người vợ ở vùng ngoại ô và ngược lại? Làm sao cách đối đãi của Catherine II với nông nô có thể so sánh với cách đối xử của Marie Noe với con cái, hay so sánh tội ác giết hại hàng trăm người ngoại quốc của Từ Hi Thái hậu với tội giết người của Rosemary West? Mặc dù Catherine II và những kẻ phạm tội tương tự bà ta phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người nếu không muốn nói là hàng ngàn người, nhưng họ làm thế trong thời đại mà việc sát phạt lẫn nhau là một thực tế phổ biến. Người ta cũng có thể nói điều tương tự về hai vị nữ hoàng La Mã là Valeria Messalina và Agrippina con, vì mặc dù tội giết người chắc chắn không bao giờ được dung thứ nhưng người ta cũng không coi nó như một tội ác bất bình thường nếu đó là cách tốt nhất để thoát khỏi kẻ có ý định giết hại bạn. Dĩ nhiên, không phải tất cả những người phụ nữ quyền lực này đều xấu xa và ti tiện, nhưng chuẩn mực đạo đức mà các nữ hoàng và hoàng hậu này áp dụng không khiến họ khác biệt so với Rosemary West và Karla Homolkas của thời hiện đại.
Nhưng nếu Messalina hay Catherine II không bị coi là kẻ có tội thì Elena Ceausescu thì sao? Elena sinh ra vào năm 1919 và cùng chồng trị vì đất nước trong suốt những năm 70 và 80, bà ta chẳng có lý do gì để được so sánh với những chuẩn mực của một kỷ nguyên khác, ít văn mình hơn. Trên thực tế, nếu có một thứ như ác quỷ thì chắc chắn Elena Ceausescu chính là hiện thân của nó. Mặc dù bàn tay bà ta chưa từng trực tiếp vấy máu nhưng qua hành động của mình, hàng ngàn đứa trẻ đã bị gửi vào cô nhi viện, ở đây chúng phải nếm trải không chỉ những điều kiện tồi tệ mà còn phải chịu đựng một môi trường khiến nhiều đứa trong số chúng phải chết trong ngấp ngoải và đau đớn. Elena Ceausescu cũng khiến cả đất nước chìm đắm trong đói nghèo trong khi bà ta cùng người thân sống cuộc đời xa hoa, nhập khẩu thức ăn và quần áo xa xỉ từ ngoại quốc. Trong phiên tòa xét xử bà ta, luật sư bào chữa đã khuyên bà ta viện cớ bất ổn thần kinh nhưng vì bà ta ngoan cố đến giây phút cuối cùng nên đã từ chối. Xét về mặt cá nhân, đó là sai lầm lớn nhất mà bà ta từng phạm phải nhưng xét trên phương diện quốc gia thì đó đúng là một điều may mắn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Thời đại, Nicu Teodorescu (luật sư bào chữa cho bà ta) đã nói: “Khi tôi chứng kiến cái chết của Ceausescu, với cương vị của một luật sư, tôi không có cảm xúc gì hết. Nhưng với tư cách một công dân, tôi cảm thấy vui mừng như bao người khác. Đó là lễ Giáng sinh tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi.”
Mặc dù vậy, thật đáng buồn rằng nếu Elena Ceausescu không mất trí thì ta cũng không thể nói chắc chắn điều tương tự với những người khác. Ví dụ, hai trong số những người phụ nữ được đề cập trong cuốn sách này là Audrey Marie Hilley và Marie Noe luôn biểu hiện những triệu chứng rối loạn tâm lý nhưng ngay cả khi họ không phải chịu trách nhiệm cho những tội ác đã gây ra vì điều kiện thần kinh của mình thì chắc chắn đây cũng không thể là cái cớ giúp ai trong số họ thoát khỏi rắc rối. Đặc biệt là Audrey Marie Hilley, cô ta có thể hưởng lợi từ việc điều trị tâm thần thay vì bị tống giam trong nhà lao của bang, vì nếu chúng ta sắp tự nhận mình là một xã hội văn mình thì chắc chắn chúng ta phải đối xử (đồng thời với trừng phạt) những phạm nhân của mình bằng chút ít tôn trọng.
Chúng ta tìm hiểu trường hợp đặc biệt của Myra Hindley cho tới tận khi cô ta chết vào năm 2002 là vì cô ta là một phạm nhân bị sỉ vả nhiều nhất Anh quốc. Như mọi người đã biết, Hindley cùng kẻ tòng phạm của cô ta là Ian Brady đã giết hại bốn đứa trẻ và một thanh niên mười bảy tuổi, nhưng chỉ riêng những điều xảy đến với cô ta sau khi bị tống giam cũng đủ để viết thành một quyển sách. Vì bị chỉ trích là kẻ mất hết nhân tính – một người phụ nữ chuyên sát hại trẻ nhỏ - nên Hindley nhanh chóng trở thành biểu tượng của những điều bất thường. Sự chỉ trích của công chúng dành cho cô ta càng thêm nặng nề khi họ trông thấy ảnh căn cước của Hindley.  Trong bức ảnh, cô ta nhìn thẳng vào ống kính máy quay với gương mặt đầy thách thức. Cô ta nhuộm tóc vàng và đang trề môi ra, nhưng trông cô ta vẫn vô cùng tàn ác. “Hãy nhìn thẳng vào tôi đây.” – Người thợ chụp ảnh kêu lên. “Có thế nào thì tôi vẫn là tôi thôi.” Mỗi khi Hindley cố gắng để được tạm tha vì đã thực hiện đúng cam kết, đơn thỉnh cầu của cô ta đã được thảo ra, những lá thư kháng nghị cũng đã được chuyển tới Downing Street[1] thì đúng lúc đó, các cuộc chất vấn với cha mẹ các nạn nhân do Hindley sát hại sẽ được phát sóng trên tivi cho tới khi dư luận tranh cãi sôi nổi đến nỗi không Bộ trưởng nội vụ nào dám ký những giấy tờ chấp nhận tạm tha cho cô ta. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, hệ thống nhà tù được dựa trên quan điểm cho rằng tù nhân cũng có quyền có cơ hội thứ hai để được tái hòa nhập với cuộc sống và cống hiến cho bản thân và đất nước, vì thế, từ chối quyền đó của phạm nhân là thiếu công bằng. Nhưng có chắc rằng Hindley đã được đối xử như các phạm nhân (nam giới) đã phạm tội tương tự khác hay không, nghĩa là họ sẽ được tạm tha sau khi đã thừa nhận tội trạng và thực hiện bản án của tòa? Vậy điều gì đã khiến Hindley khác biệt với những người khác trong nhóm của ả? Câu trả lời duy nhất có ý nghĩa là ả là một con quỷ. Phụ nữ không bao giờ làm hại trẻ nhỏ, vì thế, người phụ nữ nào thực hiện tội ác này không thể nào là một phụ nữ. Tuy nhiên, sinh vật này cũng không thể là đàn ông; ả đáng sợ hơn cả hai giới đó, ả là người lai, là một con quỷ không phù hợp với bất cứ vai trò nào được xã hội chấp nhận và vì thế chắc chắn ả sẽ không bao giờ được cho phép tái hòa nhập xã hội. Trên thực tế, ả giống như sinh vật được Charlotte Bronte, một tác giả dưới thời Nữ hoàng Victoria, sáng tạo ra, một người đàn bà điên phải bị giam cầm bằng mọi giá.
Trong cuốn sách này, tôi còn tìm hiểu cặn kẽ ba vụ án mạng dưới thời Nữ hoàng Victoria. Vào thời đó, chúng ta đã bao nhiêu lần nghe thấy người ta đổ lỗi cho “địa vị xã hội” vì mọi thứ sai trái trên thế giới này? Việc các phạm nhân than oán địa vị xã hội là lý do cho tội ác họ đã gây ra đã trở nên phổ biến đến nỗi cái cớ đó gần như vô nghĩa. Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng tội ác của Lizzie Borden, Grace Mark và Mary Ann Cotton đều liên quan tới địa vị xã hội của họ. Người phụ nữ dưới thời Nữ hoàng Victoria, nếu không phải rất may mắn thì đều phải lệ thuộc vào cha, anh và chồng trong hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống. Người phụ nữ không có quyền bỏ phiếu, cơ hội làm việc của họ bị giới hạn trong những công việc cực nhọc hoặc những việc lặt vặt trong nhà, và thậm chí, sau khi đã kết hôn, họ cũng không có quyền giữ lại tài sản riêng của mình. Họ bị kìm hãm dưới mọi phương diện, cuộc sống dưới thời Nữ hoàng Victoria thật quá hà khắc với người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ đều trở thành kẻ giết người. Vậy điều gì đã thôi thúc Cotton, Marks và Borden đi đến việc làm đáng sợ đó?
Nếu chỉ nhìn bề nổi của vấn đề thì dường như động cơ của Lizzie Borden chính là số tiền thừa kế, nhưng người ta cũng có thể lập luận rằng sau khi phải chịu đựng bao nhiêu năm ròng dưới sự kiểm soát nặng tính gia trưởng của người cha hà tiện, bà ta đã giết ông chỉ để chính mình “được tự do.” Còn Grace Marks, bà ta không những không có một người cha giàu có mà còn không có một mái nhà che đầu; thay vào đó, bà ta phải làm việc như một đầy tớ. Chỉ đến năm mười sáu tuổi, cũng là năm bà ta phạm tội, vị trí xã hội thấp kém như “một kẻ tôi tới trong nhà” cộng với sự ganh ghét đố kỵ với một người đầy tớ khác đã thành công khi vươn lên địa vị xã hội cao hơn mới đẩy Marks vào hành vi phạm tội tàn độc, một tội ác có thể được xem như một cách để gạt bỏ xuất thân bần hèn của bà cũng như chính các nạn nhân. Cuối cùng Mary Ann Cotton đã sát hại nhiều người chồng và trẻ nhỏ đến nỗi khó mà tính hết được. Những tội ác của bà ta nhằm mục đích gì? Thêm một lần nữa, tiền bạc dường như là nguồn gốc của vấn đề. Do sợ hãi phải sống cảnh bần cùng, Cotton đã giết hại hết gia đình này đến gia đình khác để đảm bảo rằng bà ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với sự ô nhục của trại giam dưới thời Nữ hoàng Victoria.
Nhưng lạ thay, “ô nhục” cũng là một trong những lý do chính được kẻ giết người gần đây nhất trong cuốn sách này – Karla Homolka – viện dẫn để lý giải tại sao ả ta không hành động sớm hơn khi đã nhận ra bản chất thật của người chồng. Homolka (như chính cô ta khẳng định) sợ rằng nếu để lộ tội ác của mình thì cô ta sẽ mất đi tình yêu thương của cha mẹ và bị cả xã hội lên án và ruồng bỏ. Thêm nữa, ả cũng nói rằng ả đã bị chồng đánh đập tàn nhẫn đến nỗi không dám tới báo cảnh sát vì sợ rằng hắn có thể giết chết ả. Hiện tượng những người vợ thường xuyên bị bạo hành dĩ nhiên là một điều kiện được xem xét (và đó cũng là tình cảnh của biết bao người phụ nữ trên khắp thế giới mỗi năm) nhưng nếu lấy đó làm lý do để tra tấn, cưỡng dâm và giết người thì điều đó khó có thể chấp nhận. Dĩ nhiên, với câu hỏi này, thì một câu hỏi khác lại được đưa ra; nếu Karla Homolka không gặp gỡ Paul Bernado thì liệu cô ấy có liên tiếp phạm những tội lỗi đáng ghê tởm như thế không? Quả thực, đây là câu hỏi có thể đặt ra với nhiều người phụ nữ trong cuốn sách này. Nếu Rosemary West không gặp gỡ Fred West thì liệu bây giờ bà ta có phải hứng chịu bản án mười năm tù không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Myra Hindley không gặp Ian Brady hay nếu Grace Marks không gặp James McDermott? Đó là câu hỏi không có lời đáp nhưng lại là câu hỏi hay bởi vì thông thường những người phụ nữ dám giết nhiều hơn một mạng người bao giờ cũng vì kẻ đồng lõa.
Nhưng Aileen Carol Wuornos lại là một ngoại lệ nếu xét theo quy luật này. Khi cảnh sát Florida lần đầu tiên phát hiện ra một kẻ giết người hàng loạt đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì trước tiên họ đã nghĩ đó là một nam giới. Vì cả bảy nạn nhân đều bị theo dõi và bắn chết nên người ta giả định kẻ đó là đàn ông thì cũng là lẽ thường, vì súng ống và hành động giết người hàng loạt thường liên quan tới nam giới. Do vậy, việc những kẻ giết người này là phụ nữ là một việc không bình thường đến nỗi Hollywood đã chộp lấy câu chuyện này và cho ra đời rất nhiều bộ phim.
Tuy nhiên, con số thống kê đã chỉ ra rằng phụ nữ không phải là những người đáng sợ như thế. Trên thực tế, những người phụ nữ này chỉ đại diện cho không đến 2% trong số những kẻ giết người hàng loạt[i] trên thế giới, vì thế, ta có thể đi đến kết luận rằng lý do mà báo chí kịch kiệt chỉ trích hành động của họ chẳng liên quan nhiều tới tội ác mà họ gây ra, thay vào đó, như chúng ta đã đề cập trước kia, nó liên quan nhiều hơn tới giới tính của họ. Xét đến cùng, tại phiên tòa xét xử Lizzie Borden, quan tòa đã đi đến kết luận bằng cách nói rằng nếu ban hội thẩm cho rằng cô ta thực sự phạm phải những tội ác mà cô ta bị cáo buộc thì họ cần phải tin rằng cô ta đúng là “ác quỷ”: một sinh vật cực kỳ ghê tởm. Sau đó, ông ta bảo ban hội thẩm (tất cả thành viên là nam giới) hãy nhìn kẻ phạm tội rồi hỏi họ rằng cô ta có giống loại sinh vật đó hay không. Rõ ràng là cô ta không giống, và cũng rõ ràng là cô ta được tuyên bố trắng án.
Nếu một người phụ nữ bị đưa ra trước tòa nhưng sau đó được phán là vô tội thì mọi việc đều tốt đẹp cả. Tuy nhiên, nếu cô ta bị phán là có tội thì phụ thuộc vào loại tội mà cô ta đã làm, cô ta sẽ bị treo cổ vì những tội ác đáng tởm lợm của mình.
SHELLY KLEIN
Tháng Tư, 2003



[1] Downing Street là một con phố ở Luân Đôn, Anh. Trong hơn hai thế kỷ qua, nơi đây là trụ sở văn phòng của hai trong số những bộ trưởng cấp cao nhất của Anh.-ND


INTRODUCTION
[i] Như Oliver James đã chỉ ra trong cuốn sách Bạo lực trong nền văn hoá kẻ thắng – người thua: Nguồn gốc văn hoá xã hội và gia đình của tình hình bạo lực gia tăng: “Sát hại trẻ nhỏ là tội lỗi đáng sợ nhất mà phụ nữ thường phạm phải hơn đàn ông.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét