25 thg 7, 2011

Tháng 7- Tháng Lãng Thanh

Tôi vẫn luôn nhớ một Trịnh Thanh Sơn "ngồi rót biển vào chai".  Có lẽ không bao giờ tôi có thể quên một buổi tối, khoảng 8h30 chuông điện thoại reo  và tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia là giọng nói của Trịnh Thanh Sơn. Tôi đã nói chuyện với anh, nói đôi lời về bài viết của anh về thơ Lãng Thanh đã đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ, rồi hẹn một ngày đến thăm anh. Lời hẹn đến nay còn dang dở, chúng tôi chưa kịp đến thì anh đã ra đi. Có lẽ giờ đây anh và Lãng Thanh đã gặp nhau và các anh lại có dịp hàn huyên, đàm đạo văn chương, thơ ca, nghệ thuật. Hôm nay xin phép anh đăng lại bài viết ở đây để bạn yêu thơ các anh được đọc lại.

Lãng Thanh
                            Thi sỹ tài năng – mệnh yểu

Trịnh Thanh Sơn

Mùa hè năm ngoái, cái chết đột ngột và đau thương của Lãng Thanh, báo chí đã nói nhiều về một tài năng trẻ, một tài năng nhiều mặt, đầy hứa hen. Khi anh mất (2002), Lãng Thanh mới tròn 25 tuổi, nghĩa là anh sinh năm Đinh Tỵ (1977) vừa bằng tuổi con trai thứ của tôi. Vậy mà trong 25 năm ngắn ngủi ấy, Lãng Thanh đã có đủ thời gian để tốt nghiệp “Đại học Ngoại Thương và Học viện Quan hệ Quốc tế, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, xuất sắc trong nghệ thuật thư pháp và là một tài năng hội họa…” (với Lãng Thanh – Thiên Sơn). Đọc mấy dòng “trích ngang” ấy về Lãng Thanh, hẳn không chỉ riêng gia đình, bạn bè mà đông đảo bạn đọc đều cảm phục và bùi ngùi chua xót, cảm thương!
Biết tin, sau khi Lãng Thanh mất, bạn bè trong nhóm Chí Tâm của anh, hội văn nghệ Việt Trì và nhà xuất bản Thanh niên đã cho in tập thơ Hoa, tập thơ đầu tay theo di cảo của anh để lại. Mấy bận lên Việt Trì tôi có ý đi tìm tập thơ Hoa nhưng không gặp. Tôi bèn đến thẳng nhà xuất bản Thanh niên tìm nhà thơ Phạm Đức. Nhà thơ Phạm Đức vui vẻ rút từ tủ sách riêng của anh một tập thơ Hoa và tặng tôi với mấy lời đề tặng: “Thân mến tặng bạn thơ Trinh Thanh Sơn cuốn sách của một tác giả trẻ đã khuất, hy vọng giúp anh một chút tư liệu về thơ trẻ”.
Đem tập thơ về nhà, đêm ấy tôi đọc ngay. Một tập thơ mỏng vẻn vẹn 71 trang mà tôi đọc đến 3h sáng mới xong lần thứ nhất. Phải nói rằng, thơ Lãng Thanh sẽ không đọc nhanh được, đôi khi đọc trang sau lại phải lật lại vài ba trang trước, bởi vì thơ Lãng Thanh là những tín hiệu, có mật mã riêng, không có chìa khóa khó lòng giải mã được! Nếu cần tóm gọn hồn cốt thơ Lãng Thanh trong mấy chữ thì đó sẽ là: “Trẻ, hiện đại, có học, sung mãn và chất chứa tâm hồn thuần Việt”.
Tôi có ý định viết bài giới thiệu thơ Lãng Thanh cùng bạn đọc đông đảo, vậy mà hơn bốn tháng qua đọc đi đọc lại trên dưới mười lần vẫn chưa cầm bút lên được. Có điếu gì đó ngáng trở tôi chăng? Có đấy! Tôi sợ rằng, nếu bài viết của tôi không thành công, nghĩa là đọc bài viết của tôi, bạn đọc sẽ thờ ơ… “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”!
14 bài thơ dài ngắn khác nhau, nhiều bài mang vóc dáng những trường ca. “Hoa” được chia làm hai phần: Phần Thượng gồm 4 bài, phần Hạ 10 bài. Hai bài viết sớm nhất là Thơ trước tuổi 21Bài ca trái tim (1996). Bài viết gần nhất, sau cùng là Nhật ký (2002). Nhìn vào năm tháng ấy, ta biết Lãng Thanh đã hoàn thành tập thơ Hoa trong 6 năm, từ năm 19 tuổi đến năm 25 tuổi. Ròng rã 6 năm viết, xoá, sửa chữa, bổ sung, viết lại… Đó là lao động nghệ thuật của một người tử tế, một nghệ sĩ biết tự tôn và tự trọng. (Có bạn trẻ bây giờ mỗi năm in từ một đến hai tập thơ, cũng nên xem lại!).
Vậy mà, khi đọc thơ Lãng Thanh, tôi không hề cảm thấy sự khó nhọc của người viết. Thơ anh như “Ngọn núi Lửa đang phun” (Thiên Sơn), nói thế có thể là hơi quá, nhưng cũng không sai, nếu ta hiểu chữ “Núi lửa” kia chỉ một nội lực thơ cường tráng nồng nhiệt và vô cùng đắm say.
Nồng nhiệt tới mức:
Như lò than trái tim ngầu ngậu lửa.
Ta bập bùng theo áng khói chơi vơi
Ta có thể và ta chỉ muốn
Đốt em bằng ngọn lửa của ta thôi.

Trái tim ta như bàn tay điêu khắc
Đẽo mặt em bằng những nét văn hoa
Thân hình em mỗi ngày là một tượng
Để em đừng phải sống với hôm qua.
(Bài ca trái tim – 1996)
Đó là sự nồng nhiệt đến bồng bột của tuổi 19, cũng vậy, đây là niềm đắm say cùng tuổi:
Em đến bàng hoàng như cơn sốt
Bỗng môi tôi bất lực
Nụ hôn ơi! Người khoá cả tâm hồn.
(Thơ trước tuổi 21)
Tuy nhiên, đọc những câu thơ ấy, ta dễ dàng nhận ra dư âm của tuổi học trò, hơn thế nữa còn phảng phất giọng điệu và thi pháp thơ mới, mà chắc là thời còn cắp sách tới trường Lãng Thanh đã từng đắm say. Nhưng, chỉ vài ba năm sau, thơ Lãng Thanh đã hoàn toàn thay đổi, thậm trí xoá đi mọi dấu vết cũ của chính mình. Thơ anh không những chín chắn hơn mà còn tạo được một giọng điệu, một phong cách riêng không lẫn lộn, đó là phong cách thơ Lãng Thanh, phong cách lãng tử và triết luận. Đọc Lãng Thanh, ta biết anh đọc rất nhiều, học và tiêu hoá rất nhiều những trường phái thơ và nghệ thuật Đông, Tây, Kim, Cổ. Các nguồn tri thức cổ điển và tân kì giao thoa, nhuần nhuyễn trong cách nhìn, cách cảm, cách lập tứ, dùng thi ảnh, chọn ngôn từ và phương pháp liên tưởng vượt thời gian, không gian thấp thoáng màu sắc siêu thực trong thơ Lãng Thanh. Chẳng hạn, khi Lãng Thanh đưa ra định nghĩa về cái đẹp của mình:
Cánh Kiến mỏng như vàng quỳ
đẹp và xanh xao, xanh xao vì đẹp,
yếu đuối vì đẹp trần trọi vì đep
Hoa phù dung hết chậm như nghiêng mực nhà nho
                                                                                                     thầm nhĩ và đẹp…
(Hồi kịch bất kỳ)
Rồi một thoáng hồi ức về cổ tích đậm sắc màu dân gian:
Trăng đầu làng ghênh ghếch đàn trâu lá đa
-Tấm ơi! Chị mò cua tay mọc đầy hoa, chị là yêu tinh
Quả thị dựng tóc. Ấy dà miệng nhỏ xinh xinh
Ba cô nón trắng qua đình. Tình là tình
(Ghi chép nhỏ)
Và tình yêu quê hương nồng nàn, được thể hiện rất mới, độc đáo và riêng biệt:
Cánh cò trắng muốt cắt đôi bầu trời
Bầu trời bên trái che xuống mộ ông bà
Bầu trời bên phải kéo cha mẹ trở về ruộng
 đất quê tôi
…Tôi muốn làm con sông chia hai bờ thương
Lại muốn làm con sông nối hai đầu nhớ.
(Những mảnh vỡ)
Trong bài “Nhật ký”, bài thơ gần như cuối cùng của đời mình, Lãng Thanh trở lại dịu dàng và có linh cảm mơ hồ, xa xôi, đọc lên dẫu không duy tâm cũng thấy lạnh buốt sống lưng. Những câu thơ như một lời giã biệt người mẹ thân yêu của mình, vì từ khi anh viết những câu thơ này cho tới khi anh chết một cách oan khuất là một khoảng cách không xa:
Mẹ ơi! Con là NIỀN TỰ DO của mẹ
Là con thuyền thả xuống bên sông quê.

Ngắm trăng hoa, bẻ một cành
Mẹ đang choàng chiếc khăn mười sáu tuổi
Niềm tự do vĩ đại lớn trong nỗi cô đơn.
Sông chảy dài như oan hồn
Mảnh trăng hoá thạch.
Viết tới đây, tỗi bỗng không muốn viết thêm một câu nào nữa. Thắp một ném nhang trên bàn viết, tôi mở tập thơ Hoa và đọc lại từ đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét