Ngày 10-4- 1912. Con tàu Titanic huyền thợi rời cảng Queenstown, bắt đầu cuộc hành trình sang Mỹ. |
Hóa ra người phám phá ra con tàu Titanic là một sĩ quan Hải quân Pháp. Ông tên là Paul-Henry Nargeolet, năm nay 66 tuổi. Trong 25 năm qua, ông đã từng đến thăm nơi con tàu gặp nạn ở Bắc Atlantic hơn 30 lần.
Paul-Henry Nargeolet 30 lần hành trình tìm tàu Titanic. |
Thời gian này là những ngày đầy hứng thú đối với Nargeolet. Ngày 15/4/2012 kỷ niệm tròn 100 năm ngày con tàu khổng lồ huyền thoại - từng được tin tưởng là không thể ngấm nước - bị chìm.
Năm 2010, Nargeolet đã tham gia vào cuộc hành trình thám hiểm về con tàu Titanic với tổng chi phí 5 triệu USD. Ông và nhóm của mình khoanh vùng toàn bộ khu vực mảnh vỡ trong khoảng 3 x 5 dặm lần đầu tiên, sau đó sử dụng thiết bị phát hiện tàu ngầm và chụp được 130 nghìn bức ảnh từ các phương tiện dưới nước được điều khiển bằng robot.
Những gì họ tìm thấy vẫn còn là một bí ẩn và chỉ được tiết lộ trong sự kiện đặc biệt trên kênh History Channel với tựa đề “Titanic at 100: Mystery Solved” (Tạm dịch: 100 năm tàu Titanic: Giải mã bí ẩn” vào ngày 15/4/2012.
Paul-Henry Nargeolet và cụ Millvina Dean, người sống sót trên tàu Titanic |
Trong vòng 2 thập kỷ rưỡi qua, Nargeolet đã làm việc cho Công ty RMS Titanic, một công ty trực thuộc của Tập đoàn Triển lãm Premier Exhibitions – đơn vị quản lý hợp pháp duy nhất về khu vực tàu chìm. (Sở dĩ Công ty RMS Titanic giành được quyền quản lý đó như thế bởi họ là đơn vị đầu tiên tuyên bố về sự việc nêu trên. Họ trình diện hiện vật tàu Titanic cho cơ quan pháp lý và giải quyết tất cả những yêu cầu pháp lý khác).
Trong 5 cuộc thám hiểm với RMS, những nhóm do Nargeolet dẫn đầu đều đã khai quật được hơn 5 nghìn hiện vật từ khu vực tàu bị đắm, các hiện vật này tạo nên một cuộc trưng bày “Sự kiện tàu Titanic” của tàu Titanic Premier ở Orlando và triển lãm trưng bày hiện vật tàu Titanic ở Las Vegas, Atlanta và Detroit.
Các hiện vật này gồm có bộ cạo râu, đồ chơi, ống sáo, bình đựng rượu bằng pha lê, đèn chùm từ một nhà hàng trên tàu và thậm chí cả những chiếc ghế ngồi trên tàu cũng sẽ được Công ty bán đấu giá Guernseys tổ chức bán đấu giá. Những cuộc bán đấu giá bắt đầu diễn ra từ ngày 2/4/2012 và người giành được chiến thắng được công bố vào giữa tháng 4/2012.
Phóng viên Tạp chí Forbes có cuộc trao đổi với Nargeolet qua điện thoại nhà riêng của ông tại Greenwich, bang Connecticut. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Xin ông cho biết, trước khi đến với việc tìm kiếm về tàu Titanic, ông đã làm nghề gì?
Nargeolet: Tôi là một sĩ quan Hải quân Pháp. Tôi làm việc trên một tàu thăm dò. Tôi làm công việc di chuyển chất nổ.
PV: Vậy thì ông chuyển từ việc thăm dò sang khám phá tàu Titanic như thế nào?
Nargeolet: Sau khi làm việc cho Hải quân, tôi sang làm việc cho IFREMER (Viện Nghiên cứu và Khai thác vùng biển của Pháp). Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với Hải quân Mỹ. Họ hỏi tôi xem tôi có muốn tham gia vào hành trình khám phá về tàu Titanic không. Và tất nhiên là tôi đã trả lời “có”. Sau đó họ bảo tôi sẽ đảm nhận hành trình khám phá. Tôi nói “Ồ, được thôi”. Buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi như thế đó.
Năm 1987. Tôi đang ở trong một chiếc tàu lặn. Chúng tôi đã nhắm được mục tiêu bằng hệ thống định vị dưới nước, nhưng chúng tôi không chắc chắn chính xác là sẽ nhìn thấy gì. Khi chúng tôi lặn xuống thì thấy một sợi dây xích, chiếc vô lăng và cái neo. Rồi tiếp theo là mũi tàu. Hoàn toàn không thể tin được. Thật may mắn là chúng tôi đã tìm thấy mũi tàu.
Thường thì trên những tàu lặn, mọi người hay nói chuyện cho nên luôn luôn có tiếng ồn ào. Nhưng khi chúng tôi tiến tới gần mũi tàu, tất cả đều im lặng. Hoàn toàn không có động tĩnh gì trên tàu lặn của chúng tôi cả. Lúc này tôi cảm nhận được một không khí hết sức trang nghiêm. Tôi cảm thấy vui buồn lẫn lộn, vui bởi vì cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm thấy tàu Titanic.
Trước đó, năm 1986, cuộc thám hiểm của chúng tôi đã hoãn lại và tất cả chúng tôi đều làm việc rất chăm chỉ để trở lại. Nhưng tôi cũng cảm thấy buồn. Tôi được biết mọi thứ về con tàu chìm, tất cả những hình ảnh in hằn trong tâm trí tôi, chúng xuất hiện trong tôi khi tôi nhìn vào mũi còn tàu đắm. Hầu như tôi có thể hình dung thấy mọi người đang đi lại trên tàu. Tôi đã nghĩ về con tàu, về những hành khách.
PV: Trong những chuyến hành trình sau đó dưới sự chỉ đạo của Công ty RMS Titanic, ông đã bắt đầu cố gắng vớt những hiện vật phải không?
Nargeolet: Đúng vậy. Đầu tiên là một buổi thảo luận với George [Tulloch]. Anh ấy muốn thực hiện những buổi trưng bày và để công chúng đến xem các hiện vật. Chúng tôi đã vớt được những thứ như những chiếc đĩa men, đèn chùm. Sau đó George nói: “Hãy tìm kiếm các bộ phận của tàu”.
Năm 1994, chúng tôi lại tiếp tục tìm. Tất cả những gì chúng tôi thấy là các mảnh thân tàu nặng khoảng từ 200 đến 300 tấn. Chúng tôi không thể lôi lên được. Sau đó chúng tôi thấy một mảnh gần thân tàu hơn, nặng khoảng 20 tấn. Nó vẫn khá to nhưng chúng tôi nghĩ có thể lấy được. Chúng tôi phải đối phó với những luồng nước chảy xiết của hải lưu Gulf Stream gần đó. Nhưng chúng tôi đã cuốn những dây cáp quanh nó và đưa nó lên mặt nước.
Nhưng thật không may, chiếc tàu có nhiệm vụ chở mảnh vỡ này về thì lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Nó không có cần trục. Chúng tôi không thể đưa mảnh vỡ đó lên tàu ngay được. Chúng tôi phải chờ đợi. Chúng tôi lênh đênh giữa biển. Rồi một cơn bão xuất hiện, dây cáp bật ra. Mảnh vỡ chìm nghỉm.
Hai năm sau chúng tôi mới quay trở lại được. Dây xích vẫn nằm trên mảnh vỡ đó. Chúng tôi đã mang theo một con tàu phù hợp. Và chúng tôi đã nhanh chóng đưa được mảnh vỡ lên tàu. Chúng tôi cực kỳ xúc động khi thấy nó được đưa lên boong tàu. Hiện nay nó được trưng bày ở Luxor, Las Vegas.
PV: Có rất nhiều câu chuyện – trong đó có cả chuyện về Robert Ballard, người tìm ra con tàu từ năm 1985. Ông ấy cho rằng không nên lấy lên bất cứ cái gì từ khu vực tàu đắm, rằng làm như vậy, về cơ bản, giống như ăn cướp một ngôi mộ. Xin ông cho biết ý kiến của mình.
Nargeolet: Tôi hiểu khía cạnh đó. Thậm chí cả những người sống sót trong vụ đắm tàu ấy cũng đều có những ý kiến khác nhau. Tôi nhớ có lần đã nói chuyện với một người phụ nữ trong số họ, bà nói với tôi rằng: “Tôi không thích những gì anh đang làm bởi vì cha tôi đã chết trên con tàu đó.” Tôi đồng ý với vấn đề đó.
Nhưng tôi cũng gặp nhiều người sống sót thích việc tôi đang làm. Họ tin rằng việc đó giữ mãi hình ảnh con tàu và di sản của nó. Một lần, tôi đã gặp một người sống sót và ông ấy nói với tôi: “Anh hãy tiếp tục công việc của mình đi. Và nhân tiện tôi muốn nhờ anh một việc, mẹ tôi đã để lại một chiếc vòng cổ trên một chiếc bàn trên con tàu ấy. Anh có thể tìm lại nó và mang về giúp tôi không?”. Tôi tin rằng giữ lại được những kỷ vật trên con tàu là rất hữu ích, điều đó hữu ích cho cả giáo dục và việc bảo tồn. Đó mới là mục đích cao cả.
PV: Có một số người cho rằng trong vài thập kỉ nữa, hầu hết mọi thứ của con tàu sẽ bị hỏng hết dưới đáy biển, nó sẽ tan rã ngay trước mắt chúng ta. Ông nghĩ sao về điều này?
Nargeolet: Tôi nghĩ trong khoảng thời gian từ 25 đến 50 năm, nếu nằm dưới đáy biển thì mọi thứ sẽ hỏng. Chúng sẽ bị phân hủy và ô-xi hóa. Các luồng nước, ngay cả ở dưới độ sâu cũng rất mạnh. Liệu chúng ta có nên để mọi thứ lại đó chỉ để cho chúng bị phân hủy không?
Đó không phải là quan điểm của tôi. Tôi muốn lưu lại mọi kỷ vật. Chúng tôi là một công ty duy nhất được phép lưu lại những kỷ vật trên con tàu. Những gì chúng tôi đang làm là coi con tàu Titanic như một khu khảo cổ học. Chúng tôi lưu giữ lại nơi có những kỉ vật.
PV: Rất nhiều việc lưu trữ của các ông được thực hiện suốt trong cuộc hành trình năm 2010. Tất nhiên là những thứ đã tìm thấy được giữ bí mật cho buổi trình chiếu của kênh History Channel. Ông có thể tiết lộ cho chúng tôi một chút về những gì đã được tìm thấy không?
Nargeolet: Ồ, phần đuôi tàu dường như được quay tròn như một chiếc cánh máy bay khi nó chìm xuống đáy biển. Và chúng tôi tìm thấy một vài chi tiết trên con tàu mà chúng chưa bao giờ được xác định, giống như một cánh cửa đang xoay. Tôi chỉ có thể nói rằng, hành trình tìm kiếm đã giúp chúng tôi hiểu ra tất cả những điều đó hơn nhiều.
Tuy nhiên, vẫn có một vài bí ẩn. Bí ẩn lớn nhất đối với tôi là hình dung chính xác xem tảng băng đã thực sự làm gì với con tàu. Có những giả định được đưa ra, nhưng chúng tôi không biết chắc chắn. Chúng tôi có thể không bao giờ biết. Những bí ẩn này sẽ luôn luôn khiến cho con tàu trở nên thú vị. Hầu hết mọi người có thể tìm thấy một vài điều về tàu Titanic mà họ thấy thú vị.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy lí thú này!
Trịnh Thanh Thủy (theo Tạp chí Forbes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét