18 thg 7, 2011

Ẩn sĩ Sơn Tùng


TP - Mái tóc chải lật tôn thêm vầng trán dô. Đôi má tuy hóp nhưng dưới cặp mày dài bạc ngó hơi dữ, chừng như cũng tôn thêm thứ nhãn lực thi thoảng lại ánh lên từ cặp mắt. Mà cặp mắt ấy chỉ còn một phần mười. 


Mười bốn vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong hộp sọ. Tay trái liệt. Bàn tay phải còn 3 ngón. Mỗi khi bước vào căn phòng bí bách tít trải vừa khít hai chiếc chiếu đôi sâu trong ngõ chật khu tập thể Văn Chương (Hà Nội) ngó ông thu lu ngồi, quen là thế nhưng tôi vẫn giật mình. Ẩn sĩ Sơn Tùng!
Nhà báo Sơn Tùng tranh thủ ghi chép, tác nghiệp trong chuyến đi cùng Bác năm 1964 Ảnh: Tư liệu.

Đó là Sơn Tùng thời còn chưa bị bạo bệnh. Giật mình bởi chỉ còn ba ngón tay co quắp như thế mà hơn 10 đầu sách, những Búp Sen Xanh (đến thời điểm này đã hơn 20 lần tái bản với 60 vạn cuốn; và có lẽ cũng khá hy hữu là lời đề tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mãi 25 năm sau mới được in trọn vẹn?) Bông Sen Vàng, Hoa Râm bụt, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Bác về, Vườn nắng...
Những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều chính khách đã từng ôm nhà văn Sơn Tùng nâng niu bàn tay còn ba ngón ấy rưng rưng: Chỉ còn 3 ngón tay mà vẫn bấu được vào cuộc đời (lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng). 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khóc khi gặp nhà văn Sơn Tùng

Cũng chính Thủ tướng ký quyết định cấp cho nhà văn một căn hộ nhưng dứt khoát nhà văn không nhận "Nếu đ­ược Bác giải quyết nhà ở cho cháu thì không tránh khỏi cái tiếng cháu viết sách về Bác Hồ để rồi lần đến cửa Thủ t­ướng Phạm Văn Đồng để xin nhà!".
Gọi ẩn sĩ vì từ lâu, với thương tật nặng nhất (1/4) ông rất ít khi rời Chiếu văn (giới văn bút Hà Thành vẫn gọi nơi ở của nhà văn như thế). Ngoài lúc phải đi cấp cứu (khi vết thương trên đầu tái phát, huyết áp vọt lên 240, nhịp tim 150) có gặp gỡ giao lưu thì đã có mấy anh xe ôm đầu ngõ. Nhưng đa phần thiên hạ tìm đến vị ẩn sĩ có sức hút lẫn sự lôi cuốn kỳ lạ này với nhiều duyên do.
Chiếu văn không mấy bữa mà vắng khách. Từng bệt trên Chiếu văn như chủ nhân kia xa là những Văn Cao, Vũ Đình Hòe, Vũ Kỳ và bữa nay, sáng sớm chủ nhật ngày 17-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thư thả bước vào căn hộ xập xệ quen thuộc ôm xiết lấy nhà văn Sơn Tùng. Gọi quen thuộc bởi ông đến thăm nhà văn đã nhiều lần...
Ngày 24-4-1971, kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng. Đoàn TN nhân dân cách mạng miền Nam khi đó ở căn cứ miền Đông Nam Bộ quyết định ra số báo đặc biệt. Buổi sáng ngày 15-4-1971 khoảng 9 giờ 30 phút, Sơn Tùng đang ngồi viết xã luận cho số báo này thì đùng cái tối tăm mặt mũi rồi mê man không biết gì nữa bởi trận oanh tạc bất ngờ ác liệt của địch vào căn cứ. Mãi sau đó ông mới biết người cõng mình lên khỏi hầm và băng bó cho ông đầu tiên là ông Sáu Phong - Nguyễn Minh Triết, khi đó phụ trách văn phòng cơ quan mà ông là bí thư chi bộ có đảng viên Sáu Phong sinh hoạt. Khi ấy Sơn Tùng 43 tuổi...
Chủ tịch nước với dáng ngồi thoải mái bên Sơn Tùng trắng xanh bấy bớt khá nhiều so với lần trước rồi anh Sơn Tùng ơi! Lần trước là lần nhà văn đang cấp cứu vì chứng tai biến đột ngột. Liệt hai tay và chân trái. Cứ nằm bằn bặt thiếp đi... Phổi, tiết niệu tổn thương trầm trọng tưởng không qua khỏi. Hai lần Chủ tịch dành thời gian ghé bệnh viện thăm ông. Bấy bớt nhưng lần thăm này, nhà văn có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm.
Đây là ai? Bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn chừng như thử coi trí nhớ của ông phục hồi đến đâu chỉ vào một phụ nữ đã đứng tuổi ngồi bên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Nhà văn Sơn Tùng tưởng như lơ ngơ nhưng rất mau phát ra âm thanh mặc dầu chưa tròn vành rõ chữ người đẹp rừng xanh...
Chủ tịch nước cười phá lên quay lại giới thiệu, đây là cô Kim Chi trong đoàn văn công giải phóng có quen biết thân thiết với cánh báo chí tuyên huấn ở R. Bữa nay gặp đồng đội cũ, tật bệnh như thế mà anh Sơn Tùng vẫn nhận ra được là mừng lắm... Còn đây nữa? Bà Hồng Mai chỉ vào Chủ tịch. Nhà văn Sơn Tùng với cái cười khó khăn đập đập tay sang Chủ tịch ý chừng còn lạ gì vị này nữa.
Nghệ sỹ ƯT Kim Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nhà văn Sơn Tùng, Bà Pham Hồng Mai-vợ nhà văn

...Đã bao lần tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường Chiếu văn. Trên đó có tấm hình nhà văn trong vòng tay ôm xiết thân ái cùng những giọt nước mắt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sợ nhà văn nghe chưa tốt nên âm lượng giọng nói của Chủ tịch nước hơi cao. Ông hỏi han tỷ mỉ việc ăn uống thuốc men của ông anh thế nào (trước đó với động thái thân thiết, Chủ tịch xoa vai nhà văn giới thiệu đây là ông anh của tôi).
Bộc bạch với nhà văn việc sắp tới được nghỉ ngơi nên chắc có điều kiện đến thăm bạn bè anh em đồng đội cũ. Ông thông báo vừa có chuyến đi về khu căn cứ hồi chống Mỹ mà trận bom quái ác gây thương tích cho Sơn Tùng. Rằng khung cảnh xưa đã biến đổi nhiều quá tưởng như không nhận ra bởi những khoảng rừng hoang ngày ấy nay bà con mình đã trồng cao su kín hết!
Hướng về phía bà Hồng Mai, giọng Chủ tịch trầm xuống... Như vậy tính từ thời điểm mùa xuân 1968, bốn phóng viên Báo Tiền Phong là Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền và họa sĩ Ái Nhi vào tăng cường cho chiến trường đều trải qua gian khổ ác liệt. Riêng anh Sơn Tùng do vết thương quái ác phải ra Bắc điều trị cũng qua gần 4 năm gian khổ bom đạn. Phần việc gian nan cực nhọc nhất cũng đến tay chị từ thời điểm ấy... Chúng tôi rất biết ơn chị...
Chủ tịch đang nói thời điểm ấy, có lẽ cũng từ năm 1971, cô y tá xinh đẹp Phan Hồng Mai đang công tác ở một bệnh viện lớn của Thủ đô đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với người thương binh nặng hạng 1/4 này.
Người ta nhắc đến một nhà văn Sơn Tùng tài năng tiết tháo, ngang thẳng nhưng nếu không có sự chăm sóc nuôi dưỡng khi vết thương kịch phát, thì có lẽ cũng mãi phế đi một anh thương binh Sơn Tùng trong bệnh tật lẫn quên lãng. Nội cái chuyện khi ông dứt khoát từ chối căn hộ sang trọng mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy cấp cho, chắc ông cũng phải thoáng nghĩ đến người vợ đang phải chăm bẵm nuôi nấng mình quá bằng con trẻ? Như vậy chất ngang thẳng tiết tháo ấy có lẽ phải được san sẻ cho cả hai người? Phải như thế nào thì bà mới lẳng lặng tự nguyện hàng mấy chục năm trời trụ vững trong một căn hộ chật chội tồi tàn không có công trình phụ này mà chăm bẵm ông?
Nhà báo Xuân Ba cùng gia đình nhà văn Thiên Sơn tại Phòng Văn của nhà văn Sơn Tùng

...Tận bây giờ, tôi cứ ngờ ngợ về cái duyên quý mến của nhiều yếu nhân với nhà văn Sơn Tùng? Trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết Giáp Thìn (1964), thấy phóng viên Báo Tiền Phong Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ đang mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh nói với nhà báo đứng xa ra... Bác nghe được quay lại ờ cái chú này phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy...
Khi đó ít ai biết, năm 1950, tại Nghệ An, anh cán bộ Đoàn Bùi Sơn Tùng đã có một đêm hầu chuyện người anh trai của Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Khiêm và chị gái Bác là bà Nguyễn Thị Thanh. Sơn Tùng gọi bà Thanh là o. Bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác.
Nhà văn Sơn Tùng sau này, trong một lần gặp Bác đã kể lại chuyện đó và ông có viết sơ qua trong một cuốn sách. Rồi tấm gương người thiếu niên dũng cảm Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay trong một tai nạn vẫn học giỏi. Loạt bài của phóng viên Sơn Tùng trên báo Tiền Phong những năm sáu mươi ấy đã lan nhanh, vang xa và có tác dụng rất mạnh. Một phong trào học tập noi gương Hoa Xuân Tứ được phát động rộng khắp.
Một lần tác nghiệp ở một hội nghị, Sơn Tùng được gặp lại Bác Hồ. Người thân mật vỗ vai hỏi vui: Này chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế, chú có bịa ra mấy chục phần trăm thì khai thật với Bác đi? Lần được gặp Bác ấy, Sơn Tùng không ngờ lại là lần gặp cuối cùng! Và cũng không ngờ chuyện Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế ấy lại vận vào cuộc đời sau này của phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng.
...Đã bao lần tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường Chiếu văn. Trên đó có tấm hình nhà văn trong vòng tay ôm xiết thân ái cùng những giọt nước mắt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này có dịp ngồi lại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (tác giả bức ảnh) thì ông bộc bạch, từng chuyên chụp ảnh Đại tướng nhiều năm nhưng lần đó nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không rõ hai người trước đó gặp nhau nhiều lần không nhưng chưa bao giờ thấy tướng Giáp khóc như lần gặp nhà văn Sơn Tùng ấy khiến người cầm máy ghi lại cảnh đó cũng rưng rưng! Tôi học, học được ở Sơn Tùng nhiều lắm... Đó là lời xúc động mà Đại tướng nói với mọi người bữa đó mà Trần Hồng chứng kiến.
Tôi cũng may mắn được nhà văn kể cho nghe thời gian được Võ Đại tướng mời lên nhà làm việc nhiều lần. Chuyện đó xin được kể vào dịp khác.
Không có đàn đệm nhưng căn hộ chật ních người sớm nay đến chia vui nhân nghe cái tin nhà văn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thoắt lặng đi khi cô cháu gái của nhà văn, với chất giọng mộc đang luyến láy những giai điệu thiết tha của ca khúc Chiếc nón bài thơ. Lần ấy nhà văn kể tôi nghe hoàn cảnh ông viết bài thơ Chiếc nón bài thơ rồi sau đó bài thơ đã có duyên may mắn đến với nhạc sĩ Lê Việt Hòa và được nhạc sĩ phổ nhạc ra sao.
Chủ tịch nước tươi cười đón lấy bức ảnh lồng khung kính (có nội dung hơi bị lạ Bác Hồ ngồi thiền ở hang Pác Pó) mà gia đình nhà văn tặng, xúc động chúc thêm nhà văn mau được bình phục.
17-7-2011
Xuân Ba-Báo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét