18 thg 7, 2011

Cuộc gặp gỡ cảm động của Chủ tịch Nước và nhà văn Sơn Tùng

(TT&VH) - Sáng qua (17/7), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm nhà văn Sơn Tùng - người đồng đội của ông trong những năm chống Mỹ ở chiến trường miền Nam - tại nhà riêng ở Khu tập thể Văn Chương (HN). Trong không khí cuộc gặp gỡ thân mật và cảm động với gia đình nhà văn Sơn Tùng, ông cùng với nữ diễn viên điện ảnh Kim Chi - người được mệnh danh là “Người đẹp rừng xanh” trong Đoàn Văn công Giải phóng những năm ấy, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ những ký ức một thời... 
Nghệ sỹ Kim Chi-người đẹp Rừng xanh cùng CT nước và vợ chồng nhà văn Sơn Tùng

Không ít bạn bè và người thân của nhà văn đến chia vui với gia đình nhân dịp ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cuộc gặp gỡ có nhiều tiếng cười hạnh phúc và cả những giọt nước mắt xúc động...
1. Sức khoẻ của nhà văn Sơn Tùng đã khá hơn hồi mới ra viện. Ông có vẻ tỉnh táo hơn, dù vẫn chưa thể tự đi và chưa nói được nhiều. Thấy con cháu quây quần, bác Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng, nắm tay chồng, lắc lắc: “Hôm nay bạn bè, anh em, con cháu đến nhà mình đông đủ, anh thấy thích không anh?”. Nhà văn gật đầu cười, cố gắng nói thành tiếng: “Vui chứ!”. Nghe tiếng ông nói, lại kéo dài chữ vui, ai nấy đều cười mừng rỡ.
Khi con cháu đang lúi húi chuẩn bị ghế ngồi cho nhà văn khi đưa ông từ giường xuống thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bước vào cùng bó hoa trên tay. Bác Hồng Mai nhận bó hoa từ tay Chủ tịch nước và gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước. Ông ngồi xuống bên cạnh, khẽ khàng nắm bàn tay gầy guộc của nhà văn Sơn Tùng, mắt hướng về phía mọi người và nói: “Anh Sơn Tùng là đồng đội lớp trên của tôi. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi tôi công tác ở Thường vụ Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, anh Sơn Tùng làm công tác tuyên huấn, rồi làm báo Thanh niên nên chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau. Anh là người dẫn đầu trong đoàn nhà báo vượt Trường Sơn vào công tác tận chiến trường Nam Bộ...”.
Chủ tịch nước hỏi thăm tình hình sức khoẻ của bác Tùng rồi trò chuyện thân mật cùng những người trong gia đình nhà văn. Bác Hồng Mai gửi tặng ông bức ảnh đen trắng khổ lớn lồng trong khung kính chụp Bác Hồ đang ngồi thiền ở rừng chiến khu Pắc Pó. Bác Mai cho biết, đây là bức ảnh tư liệu quý giá của gia đình in từ phim gốc do chính nhà văn chụp và bảo quản từ năm 1950 đến nay. Khi bác Mai ngồi xuống bên cạnh nhà văn và ôn tồn hỏi: “Anh biết hôm nay có ai đến thăm anh không?”, nhà văn hướng về phía diễn viên Kim Chi và cười nói: “Người đẹp rừng xanh”. Ai nấy đều bất ngờ và cười vui khi nghe nhà văn nhắc tới “biệt hiệu” của diễn viên Kim Chi. Bác Mai ghé sát tai chồng, hướng về phía Chủ tịch nước, gặng hỏi: “Còn ai đây nữa anh?”, nhà văn nhắc rõ ràng tên Chủ tịch nước khiến mọi người càng mừng rỡ... 

2. “Người đẹp rừng xanh” Kim Chi kể, hồi công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng, trước luận điệu xuyên tạc phản động của Chính quyền Mỹ - Ngụy để lôi kéo quân chiêu hồi, lãnh đạo của Đoàn Văn công không khỏi lo lắng. Lúc đó, bà mới ngoài 20 tuổi, nhan sắc rực rỡ nên anh em ở R đặt cho biệt hiệu là “Người đẹp rừng xanh”. Không chỉ diễn kịch, hát, múa và dẫn chương trình, bà còn là Bí thư Đoàn Thanh niên của Đoàn Kịch nói. Bà thường mời nhà văn Sơn Tùng đến nói chuyện với anh em trong đoàn để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng và đường lối chiến tranh giải phóng của Đảng và Nhà nước ta. “Anh Sơn Tùng nói chuyện rất thuyết phục. Ai cũng thích nghe anh nói và anh có thể nói hàng buổi. Anh nói về gương sáng Bác Hồ, về lý tưởng cách mạng của thanh niên ta... Ngày ấy gian khổ và ác liệt lắm, có năm Đoàn Văn công phải chuyển cứ 12 lần, mỗi lần phải đào hầm và chuyển lương thực, thực phẩm đi cùng... nên những buổi nói chuyện của anh Tùng động viên, khích lệ anh em rất nhiều. Mỗi lần mời anh, tôi thường nói vui: “Anh đến lên dây cót cho anh em giùm chúng em nhé”.
Bác Hồng Mai cho biết thêm, bà đã ghi được trên 500 cuộc nói chuyện của chồng sau khi ông từ chiến trường ra. Đó là những lần nói chuyện của nhà văn ở nhiều cơ quan, nhiều địa phương trong cả nước, chủ yếu xoay quanh cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Có người nói, nếu có giải thưởng cho người nói chuyện nhiều nhất và hay nhất về Bác Hồ thì hơn ai hết bác Tùng xứng đáng được tặng giải thưởng này.
Theo gợi ý của bác Hồng Mai, cô gái xứ Nghệ Lê Thúy Hạnh trong tà áo dài trắng muốt cầm hoa sen trắng hát tặng Chủ tịch Nước, nhà văn và những người có mặt trong buổi sáng hôm ấy ca khúc Gửi em chiếc nón bài thơ do nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ bài thơ cùng tên của nhà văn Sơn Tùng sáng tác năm 1955, sau khi đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. “Em đội nón bài thơ/Đi đón ngày hội mới/Nước non liền một dải/Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”. Ai nấy im lặng lắng tai nghe. Nhà văn nghiêng nghiêng mái đầu tóc bạc phơ thả hồn theo điệu nhạc, lời ca... và đôi mắt ông mở to. Khi bài hát kết thúc, ông cười vui sướng. Bài thơ được phổ nhạc năm 1975 khi thống nhất đất nước “trở thành bài hát nổi tiếng với lời ca và âm nhạc thật đẹp” (Nguyễn Trọng Tạo) giờ đây vang lên trong cuộc gặp gỡ giữa nhà văn với bạn bè và những người thân càng thêm cảm động. Có người lấy khăn chấm nước mắt. Có lẽ nhà văn cũng đang xúc động. Bác Kim Chi giọng run run, thốt lên: “Hạnh hát hay quá con ơi...”. 
Lê Thúy Hạnh (áo dài trắng) vừa hát xong bài "Chiếc nón bài thơ".

Trong cuộc trò chuyện, Chủ tịch nước hỏi thăm sức khỏe nhà văn Sơn Tùng cặn kẽ và động viên gia đình, con cháu của ông vượt qua khó khăn, chăm sóc để nhà văn sớm bình phục... Bác Hồng Mai nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Khi ra Hà Nội, anh Sáu (tên gọi thân mật của Chủ tịch nước hồi còn ở chiến trường) đã đến thăm gia đình chúng tôi. Biết tin nhà tôi ốm, anh Sáu hai lần đến thăm ở bệnh viện... Sự quan tâm của anh với anh Tùng và gia đình thật khó lòng nói hết...”. Theo nguyện vọng của gia đình, Chủ tịch nước sẽ đến dự và trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng trong buổi lễ gần đây...
Hải Đông (TT&VH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét