6 thg 4, 2012

Thư gửi nhà văn Mario Vargas Llosa, chủ nhân giải Nobel văn học 2010

Nhà văn Mario Vargas Llosa kính mến!

“Những tác phẩm văn học vĩ đại bao giờ cũng phản ánh xã hội, thể hiện những vấn đề cơ bản của nó, cùng những ước mơ hy vọng của con người. Và như vậy, theo tôi, thì văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung đều có quan hệ chặt chẽ với hiện thực cuộc sống quanh ta.” Tôi đọc những dòng này của ông (qua một bài phỏng vấn in trên báo Tin tức Nga, dịch giả Triệu Lam Châu) với một niềm đồng cảm sâu sắc. Tôi rất lấy làm vui mừng, Hội đồng xét giải thưởng Nobel năm nay đã trao cho một nhà văn xứng đáng, một con người đã dấn thân vào những xung đột giữa quyền lực và tự do, giữa dân chủ và tập quyền, nêu lên chân lý của sự sống và thiên chức của văn học chân chính.

Nhà văn Mario Vargas Llosa
 Đã có quá nhiều lý thuyết rối rắm và nhìn chung càng ngày càng đưa văn học trở thành một thứ giải trí đóng vai trò nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhỏ đến nỗi, bị chìm lấp đi dưới các loại hình giải trí khác, nhỏ đến nỗi, cuộc sống có vẻ như không cần đến nó nữa. Ở đất nước tôi có những người đã đánh đồng sáng tạo văn học với những cách tân đơn thuần về hình thức và văn học trong trường hợp đó, trở thành một thứ đồ chơi. Những quan niệm như vậy mở màn cho một thời kỳ vô trách nhiệm của người cầm bút trước những đau thương của số phận con người và bất công đầy rẫy trong cuộc sống, làm ngơ trước sự hoành hành bất chấp công lý của những kẻ có thế lực. Nhiều người cầm bút chỉ muốn yên thân, nấp sau những ngôn từ hoa mỹ và giả trá, tìm kiếm vinh quang giả tạo và hạ thấp thị hiếu người đọc xuống đến mức tầm thường.

Bây giờ, quanh tôi đây, những người viết chân chính mới cô đơn và buồn não làm sao. Những cơ quan quản lý văn học thiếu nhiệt tình với những tác phẩm mà họ cho là đụng chạm vào những thế lực mạnh. Các nhà xuất bản không có thực quyền thẩm định tác phẩm mà luôn lo lắng bị soi xét, trừng phạt. Các nhà phê bình im lặng giữ lấy sự yên lành. Trong khi đó, thứ văn học giải trí đơn thuần, văn học tính dục phát triển vô hạn độ. Và vì thế, đã có sự bất bình đẳng, sự điều khiển ngầm làm lệch hướng của sự phát triển lành mạnh, vàng thau lẫn lộn. Những tác phẩm có tinh thần phê phán, những tác phẩm chiến đấu cho công lý, những tác phẩm kêu gọi lòng can đảm và tự do mãi vẫn nằm trong ngăn kéo, nếu có ra được cũng bị cắt xén, và bị dìm chết dưới hàng núi thông tin giải trí đơn thuần. Một nền văn học thiếu tác phẩm lớn, thừa những lời bàn tán vô bổ, tầm phào, rối loạn các giá trị, thiếu sự dẫn dắt của các tài năng và nhân cách lớn cứ ngày một phình to như một định mệnh.

“Bất kỳ chế độ độc tài nào cũng đều kiểm soát chặt chẽ và khống chế văn học, họ nhìn các nhà văn bằng con mắt dò xét nghi ngờ. Bởi vì văn học có thể phê phán nhà cầm quyền… Đó là sự thật. Vấn đề này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị, mà nó còn rộng lớn hơn nhiều. Một tác phẩm nghệ thuật tốt, sẽ là một ngáng trở đối với việc tuyên truyền chính sách của nhà cầm quyền tới dân chúng. Theo nghĩa ấy, thì văn hoá và nghệ thuật là một sự cổ vũ chân chính cho tự do. Mà tự do – chính là mục tiêu bí ẩn của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nào.” Ông đã nói như thế khi đứng trên đỉnh cao vinh quang của giải Nobel danh giá. Chắc hẳn ông đã trải qua những tháng ngày khó khăn ghê gớm khi tác phẩm của ông bị người ta ngang nhiên đốt cháy. Và điều ông nói, không chỉ là một câu chuyện dĩ vãng, mà là một hiện thực đang diễn ra, ngay chính quanh tôi đây, và có thể còn ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới.

Bây giờ thì tên tuổi của ông đã vượt qua mọi biên giới, kể cả với những nước mà sự hội nhập thế giới chỉ mới bắt đầu, thậm chí ở những nơi mà nhà cầm quyền lo sợ ánh sáng của các luồng tư tưởng mới sẽ làm lu mờ hình ảnh và những giáo điều của họ. Sự chiến thắng của ông là sự cổ vũ mạnh mẽ cho những nhà văn cô đơn dưới ách thống trị của quyền lực thô bạo, kìm hãm tự do. Sự chiến thắng của ông, và những tư tưởng mà ông theo đuổi, mở ra niềm tin, văn học vẫn còn có thể tiếp tục được nhìn nhận như một vũ khí của lòng nhân đạo, của ý chí đấu tranh cho tự do dân chủ và bình đẳng. Nghĩa là, văn học không bị hạ thấp xuống như một công cụ mua vui rẻ tiền. Văn học vẫn còn cao quý và nhà văn không chỉ là những bậc thầy về ngôn ngữ, về nghệ thuật biểu hiện, mà còn là hiện thân của lương tâm thời đại, là chiến sỹ của lòng nhân ái bao dung trên thế gian này.

Tôi cầu mong khắp các châu lục, nơi tận cùng tăm tối trên thế gian này, tất cả những người yêu tự do, nhân đạo, hãy lên tiếng cho lẽ phải. Tôi cầu mong nền văn học ở khắp mọi nơi trên thế giới sẽ lại hồi sinh, đóng một vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại trong thế kỷ 21.

Kính chúc ông mạnh khỏe, mãi là niềm tự hào của những nhà văn có nhân phẩm gánh lấy trách nhiệm trước đồng loại.

                                                            Hà Nội, Việt Nam 15-10-2010
                                                                            THIÊN SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét