20 thg 7, 2011

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ


Hôm  nay ngày 20-7-2011, tròn 9 năm ngày mất của Lãng Thanh, xin đăng lại bài viết về cuộc gặp mặt với Lãng Thanh để bạn đọc cùng đọc.

Cuộc gặp gỡ kỳ lạ
Thiên Sơn
Tôi ghi lại cuộc gặp lạ lùng này như ghi lại một việc trong nhật ký cá nhân và chỉ đưa cho những người bạn thân tín xem. Hãy coi như một tài liệu tham khảo và bạn có quyền tin hay không tin. Tôi đã cố gắng ghi khách quan, chỉ làm gọn lại một chút.
Tối ngày 27-10-2007, chuông điện thoại reo. Tôi nhấc máy, bên kia đầu giây là giọng quen thuộc của một người bạn cũ từ thời học ở trường phổ thông – cô Phan Thị Hoà, nghiên cứu viên của Hội phụ nữ Việt Nam, giảng viên trường cán bộ phụ nữ Trung ương. Gần đây, vì một cơ duyên cô quyết định cộng tác với trung tâm phát triển tiềm năng con người…
Tôi và Phan Thị Hoà là đồng hương. Trước cô là dân chuyên toán, có tên trong danh sách học sinh giỏi toán lý của tỉnh Nghệ An hồi cuối những năm 1980. Sau cô vào học và tốt nghiệp Khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Khi làm việc ở hội phụ nữ Việt Nam, cô có một thời gian tu học ở Newzeland.
- Này Thiên Sơn, Lãng Thanh muốn gặp mọi người đấy! – Phan Thị Hoà giọng hết sức nghiêm túc. - Cậu bố trí cho anh em gặp nhé.
Lãng Thanh là thi sỹ, hoạ sỹ và là một nhà thư pháp. Anh sinh năm 1977, tốt nghiệp học viện quan hệ quốc tế và Đại học ngoại thương. Thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và chữ hán, chữ nôm. Lãng Thanh quê ở Việt trì, Phú Thọ và đã mất ngày 20-7-2002 do bị một tên nghiện đến nhà đâm chết cả hai bố con. Sau khi anh mất, toàn bộ tác phẩm của anh mới được in trong 2 tập sách: Hoa (tập thơ) và Lãng Thanh - tập thơ hoa và những trang viết để lại. Cơ quan xuất bản hai cuốn sách này là NXB Thanh niên. Anh em Chí Tâm, là nhóm bạn thân của Lãng Thanh sưu tầm và chuẩn bị kinh phí cũng như đưa tập thơ Hoa đến công chúng. Năm 2003, tập thơ này đã được khoảng 30 tờ báo viết bài đưa tin và năm 2004, được trao giải B (không có giả A) Hội nhà văn Việt Nam. Từ một người vô danh, Lãng Thanh trở thành người của công chúng.
Tôi hơi ngỡ ngàng với cái tin lạ lùng mà cô Phan Thị Hoà vừa báo. Tôi hỏi:
- Gặp nhau như thế nào? Ở đâu?
- Nhà cậu hay nhà mình… Đâu cũng được…
Tôi làm sao mà tin được cái chuyện lạ lùng ấy. Trước đây, cũng có lúc tôi nghe kể hoặc đọc báo chuyện các nhà ngoại cảm đi tìm mộ, chuyện gọi hồn ở nơi này nơi khác, nhưng tôi chưa thật tin hẳn. Và khi đã chưa tin hẳn, tôi tự nhủ, hãy đừng quan tâm đến chuyện đó. Nhiệm vụ của một con người trên thế gian là tin vào lý trí và phấn đấu hết mình cho lẽ phải, cho tình thương yêu của con người với nhau.
Nhưng lần này thì chính tôi và những người bạn thân của tôi đã nhận được tín hiệu từ người chết. Người chết muốn gặp người sống để trò chuyện! Ngỡ ngàng sao! Kỳ lạ như trong một giấc mơ.
Trong cuộc đời, tôi đã có những người thân yêu phải từ giã thế gian, đi về với tổ tiên. Nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một tín hiệu gì tương tự. Tất cả những người đã đi vào cõi vĩnh hằng kia, một đi không bao giờ trở lại. Vậy mà bây giờ, chính tai tôi đang nghe người bạn của mình nói Lãng Thanh đang muốn gặp. Lãng Thanh rất bận, nhưng muốn gặp anh em quá…
Tôi bấm máy điện thoại gọi cho một số anh em thân thiết. Có những người lấy làm cảm động. Nhưng cũng có những người vừa kinh ngạc lại vừa tỏ ra không tin cái thông tin ấy. Dù sao, vì tình bạn thân thiết và sự tò mò nên chúng tôi đã có mặt đúng hẹn tại nhà cô Phan Thị Hoà, số 49B, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội, lúc 9h15 phút ngày chủ nhật 28 tháng 10.
Chí Tâm có đến hơn 20 người, nhưng hôm ấy chỉ 7 người có mặt: Nhà báo Việt Hưng, Thái Trần, Thanh Thuỷ, Thuý Hạnh, Hạ Đan, Thanh Huyền và Thiên Sơn. Đợi mọi người có mặt đầy đủ, cô Phan Thị Hoà nói:
- Mình đã xin các cụ thổ công ở đây cho Lãng Thanh về rồi. Bây giờ không phải thắp hương nữa. Chuyện tâm linh khó hiểu nên mình không nói cho mẹ chồng và chồng mình biết… Bọn mình lên tầng trên… Mỗi người một cuốn sổ cứ như đang sinh hoạt nhóm ấy…
Thế là chúng tôi lên tầng 3, một căn phòng độ 30m2, trải chiếu và ngồi xuống nền nhà. Phan Thị Hoà bảo:
- Để cho khách quan, Lãng Thanh hãy nhập vào Thuý Hạnh.
Thuý Hạnh không chút e dè, làm theo hướng dẫn của cô Phan Thị Hoà, ngồi theo thế nhập thiền, khép mắt lại chờ đợi linh hồn Lãng Thanh nhập vào. Sau này Thuý Hạnh thuật lại, lúc ấy cô thấy nóng ran trên đỉnh đầu. Dường như có một nguồn năng lượng cực mạnh đang xâm lấn lấy cô. Cô cố gắng đề không suy nghĩ gì…
Cô Phan Thị Hoà nói Lãng Thanh đã về. Gương mặt và hai mắt Thuý Hạnh hơi nháy nháy. Nhưng cô không nói được gì. Hỏi gì cô cũng chỉ gật đầu hoặc lắc đầu. Phan Thị Hoà hỏi mọi người:
- Lãng Thanh khi chết bị đâm ở đâu?
Tôi xin nói thêm là Phan Thị Hoà có tham dự những buổi sinh hoạt Chí Tâm, nhưng đó là sau khi Lãng Thanh mất. Hoà không biết Lãng Thanh ngoài đời như thế nào!
- Lãng Thanh bị đâm ở cổ.
Mọi người cùng nói. Hoà lấy tay xoa xoa lên cổ Thuý Hạnh. Cô bảo phải chữa bệnh cho linh hồn. Khi lãng Thanh “đi” bị đau đớn nên cái cảm giác đau đớn ấy theo về bên kia thế giới.
Nhưng rồi Thuý Hạnh cũng không nói được gì. Chỉ có gật và lắc trước những câu hỏi của mọi người. Cuối cùng thì cô Phan Thị Hoà phải lãnh lấy nhiệm vụ để cho linh hồn Lãng Thanh nhập vào mình.
Cô Phan Thị Hoà ngồi im và niệm trong giây lát. Các cơ trên mặt cô bắt đầu rung động. Rồi cô tươi cười nhìn mọi người và bắt tay từng người một với một điệu bộ giống y như Lãng Thanh ngày xưa.
Tôi nói:
- Lâu quá mới có dịp gặp lại. Lãng Thanh bây giờ ra sao? Công việc thế nào? Nghe cô Phan Thị Hoà bảo Lãng Thanh bây giờ bận lắm!
- Vâng, bận lắm anh! Bây giờ em đi học nhiều mà đi dạy cũng nhiều.
- Ở dưới đó có kinh doanh, làm ăn kinh tế gì không?
- Không!
- Thế văn chương, nghệ thuật thế nào?
- Phong phú hơn trên thế gian này nhiều. Có những cái trên thế gian đã để mất thì dưới cõi âm vẫn còn giữ được.
- Lãng Thanh xuống đó có biết, có gặp được các danh nhân mà ngày xưa chúng mình vẫn quan tâm đến không? Bác Hồ bây giờ thế nào? Các thi sỹ như Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… ra sao?
- Các cụ xuống đây đều có công việc của mình. Cõi âm bây giờ cũng có nhiều điểm rất gần với cõi dương. Cũng tranh luận, vận động nhiều. Từ khi Bác Hồ xuống, Bác đã làm nên một cuộc cách mạng ở dưới này. Bác vận động nhiều lắm. Có những vấn đề theo điều luật cũ của cõi âm khá vô lý. Chẳng hạn như, một người khi sống, họ làm biết bao việc tốt xấu, nhưng mọi sự tốt xấu ấy, phải đợi đến khi chết thì xuống dưới âm mới kiểm điểm, kẻ có tội mới bị trừng phạt, người có công mới được thưởng. Như thế là quá chậm. Hay khi một người đã tu luyện, đã học hỏi được rất nhiều trong kiếp trước, đến khi đầu thai thì họ lại quên hết những gì về tiền kiếp, không vận dụng được những thành tựu tu học của kiếp trước. Đã thế, họ lại phải tiếp nhận sự giáo dục không phải lúc nào cũng đúng của con người trên thế gian… Cứ như vậy thì có phải lãng phí không? Nó Làm gián đoạn sự tu luyện đến tiến hoá của con người. Đồng thời, nó không mang tính giáo dục xuyên suốt, nhất là giáo dục đạo đức.
Trước thực tại đó, Bác Hồ vận động phải thay đổi những luật lệ trước kia đi. Những kẻ làm việc ác, việc xấu thì ngay trong khi hắn còn sống phải bị trừng phạt. Còn những người đã tu học được những kiến thức từ tiền kiếp thì hãy để cho họ nhớ lại sau khi đầu thai. Như vậy vừa có thể giáo dục đạo đức cho con người trên thế gian, vừa góp phần thúc đẩy những hiểu biết và tri thức của con người trên dương thế.
Nhân lúc nhắc đến Bác Hồ, tôi hỏi:
- Những người đang sống trên thế gian, liệu các cụ dưới đó có để ý đến và giúp đỡ? Chẳng hạn như Bác Sơn Tùng là người chuyên viết vè Bác Hồ và các danh nhân thì sao?
- Có chứ. Các cụ chú ý hết đấy. Bác Sơn Tùng là người rất có duyên với cụ Hồ. Bác đang phải làm nhiệm vụ của mình… Còn anh, các cụ rất muốn giúp anh nhưng anh không biết…
- Ở dưới cõi âm, tình hình giao lưu các nước với nhau ra sao?
- Cũng như trên cõi dương, nhưng dễ dàng hơn nhiều. Việc đi lại thuận tiện. Ở dưới đó, cũng có những sự tranh cãi, tranh đấu giữa các tư tưởng, các khu vực.
- Bây giờ Lãng Thanh có biết danh tiếng và có gặp được các thiên tài mà ngày bạn còn sống bọn mình hay nhắc đến như V. Hugo, L.Tonxtoi, Dostoiefxky?…
- Các cụ ấy vẫn có anh hưởng dưới cõi âm, họ đều có nhiệm vụ.
( Lãng Thanh không nói rõ có gặp được họ hay không).
- Nếu có dịp nào gặp được các bậc tiền bối của nước mình, Lãng Thanh thử nhắc họ phù hộ cho nền văn chương của nước mình khá lên. Làm sao để những người có tài, có tâm được trọng dụng, phát huy được, chứ cứ như bây giờ, mọi giá trị bị đảo lộn. Phê bình không ra phê bình, giải thưởng không ra giải thưởng, quyền lực trong tay những người cơ hội…
- Thì các cụ cũng muốn giúp, nhưng còn lệ thuộc nhiều yếu tố nữa. Với lại người dương đôi khi không biết để điều chính cho đúng. Thời bây giờ, cứ như thời Tây du ký vậy. Người với thánh thần và quỷ dữ ở cạnh nhau, chỉ có điều các anh không biết mà thôi.
- Thế thì làm sao để biết được?
- Các anh học thông thiên học. Học cách nói chuyện với người âm thì sẽ có nhiều điều mình hỏi trực tiếp các cụ được để mà điều chỉnh cho đúng. Làm cái gì cũng vậy, phải hướng đến đạo đức làm gốc. Đó là điểm duy nhất để mình định hướng.
- Một đời người ở cõi âm bao lâu?
- Rất dài so với một đời ở cõi dương.
- Lãng Thanh định khi nào thì quay lại cõi dương? Khi quay lại thì báo cho mọi người biết nhé.
- Còn lâu lắm.
Câu chuyện xoay sang phần riêng tư:
- Có lần mình nằm mơ thấy Lãng Thanh về nói “ Em vẫn về chỗ anh, vẫn tham dự các buổi họp Chí Tâm đấy”. Vậy bây giờ mình hỏi bạn, bạn xác nhận xem, điều mình nằm mơ ấy có đúng không?
- Đúng đó anh. Em vẫn về chỗ anh đấy. Hôm anh kêu gọi anh em góp tiền in thơ cho em, em cũng biết.
- Bây giờ chỗ nhà mình không còn cây hoa giấy nữa đâu. Mình bỏ đi để xây thêm một phòng rồi…
- Em biết. À, mà cái mảnh đất anh ở lành lắm. Anh là người tập thiền nên năng lượng tập trung về, đến đấy dễ chịu, ai cũng thích. Em khuyên mọi người nên tập thiền. Có nhiều điều hữu ích lắm. Cũng cần đọc kinh dịch, kinh dịch của Việt Nam ấy chứ không phải cái kinh dịch bên tàu đâu. Nên tìm đọc.
- Khi Lãng Thanh mất, bọn mình đã in cho bạn 2 tập sách, tập hợp tất cả những di cảo để lại. Bạn nhận được không?
- Em nhận được rồi. Cảm ơn anh và anh em Chí Tâm.
(Lúc này trong đôi mắt cô Phan Thị Hòa đỏ hoe, những giọt nước mắt ứa ra)
- Những điều em viết là những điều được dặn lại. Cảm ơn anh em đã làm cho em được cái điều mà khi còn sống em không làm được.
- Mọi người ai cũng cảm thương trước sự ra đi đột ngột của Lãng Thanh…
- Cái chết của em nó vô lý. Nhưng có lẽ vậy mà những gì em để lại mới được khẳng định. Nếu em sống, có in được, đôi khi đưa cho người ta, người ta còn cười vào mặt mình ấy chứ.
( Lãng Thanh cười...)
Tôi thông báo với Lãng Thanh, việc Đài tiếng nói Việt Nam, chị Trịnh Bích Ba vừa làm một chương trình 30 phút về thơ Lãng Thanh mà tôi là người tham gia phỏng vấn. Lãng Thanh nói có biết việc đó.
Sợ mất nhiều thời gian của Lãng Thanh, trong khi mọi người ai cũng muốn nói chuyện, tôi bảo:
- Lãng Thanh nói chuyện với mọi người đi.
- Để em nói chuyện với anh một chút nữa…
Dường như Lãng Thanh muốn nói, muốn hỏi một điều gì mà không tiện nói ra. Tôi nghĩ vậy, nên nhắc đến tên một người bạn thân thiết cũ:
- Này, Phượng lấy chồng 2 ngày rồi. Mình là người xem ngày cho Phượng lấy chồng…
Lúc này thì từ đôi mắt cô Phan Thị Hoà tuôn dài những dòng lệ. Lãng Thanh nói trong nghẹn ngào:
- Phượng xứng đáng được hạnh phúc hơn thế!
( Phượng là một người tri kỷ của Lãng Thanh. Chính Phượng đã giữ lại được nhiều tác phẩm của Lãng Thanh, để sau này khi sưu tầm, chúng tôi có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu quý để làm nên 2 cuốn sách).
Thanh Thuỷ hỏi:
- Lãng thanh có nhắn gì mẹ cậu và Phượng không?
Lại những giọt nước mắt:
- Nhắn với mẹ, có muốn gặp hai bố con thì có thể gặp được. Còn với Phượng, bạn hãy nói với với Phượng, Lãng Thanh luôn bên cạnh bạn ấy. Cứ nói thế, Phượng sẽ hiểu.
Bấy giờ, anh Thái Trần mới nhắc lại một kỷ niệm, lần cuối cùng Lãng Thanh cùng anh em Chí Tâm về thăm anh nhà anh Trần vào mùa hè năm 2002. Buổi tối anh em ngồi trên cánh đồng nhìn trăng lên, ngửi hương lúa mà nói chuyện văn chương. Đêm hôm ấy về trải chiếu xuống sân nhà mà ngủ. Anh Trần băn khoăn, sợ muỗi đốt mọi người. Lãng Thanh còn nói vui: “Em nằm cạnh anh Từ Khồi, muỗi nó đốt em có mà nó mù” ( Ý nói anh TK thì béo, LT thì gầy, nên không lo muỗi đốt). Sáng hôm sau, anh em lên núi, Lãng Thanh còn tìm được một chiếc rễ cây hình con chim đang dang rộng hai cánh, có cái duôi dài… Lãng Thanh mang về với ý nghĩ sẽ biến thành một tác phẩm… nhưng anh Trần đã làm gãy mất đuôi con chim đó…
Từng ấy kỷ niệm nhắc lại thêm bồi hồi. Anh Trần nói:
- Từ khi Lãng Thanh đi xa, anh chưa đến mộ thắp hương cho em được...
- Không cần phải đến đâu anh. Mọi người cũng vậy, đừng mất thời gian như thế, đừng đến và đừng thắp hương… Chỉ cần nghĩ đến Lãng Thanh là em có mặt ngay. Em đi nhanh lắm…
Thanh Thuỷ vẫn chưa thoát được mạnh hồi tưởng, nói xen vào:
- Sau ngày Lãng Thanh mất, Phượng thường ra mộ trồng hoa…
Tôi cũng nói:
- Anh đã viết một truyện ngắn mang tên “Hoa trên mộ” về chuyện này đấy. Lãng Thanh có đọc được không?
- Không! Anh không cho em thì làm sao em đọc được.
Lãng Thanh cầm bàn tay Thuý Hạnh, giọng thân mật:
- Những tư tưởng của em anh cũng biết đấy…
Ngày trước, ở Chí Tâm, có một số buổi anh em dành thời gian để nghe Hạnh trình bày về cuốn “ Tự vấn” do Hạnh viết. Lãng Thanh cũng có tham dự và đặt nhiều câu hỏi phản biện.
- Nhưng bây giờ, em chuyển sang làmg kinh tế anh ạ. - Thuý hạnh nói.
- Anh biết. làm kinh tế là cần thiết. Đói nghèo là tội lỗi. Nhưng làm kinh tế em phải chú ý đến thuyết tạo quyền (……)
Việt Hưng vẫn im lặng lắng nghe, bây giờ mới hỏi:
- Cuốn sách của một bác sỹ nhãn khoa người Nga về “con mắt thư ba”, về khả năng tiếp cận với thế giới âm, Lãng Thanh có thể nói rõ thêm được không?
- Anh đã đọc hết 2 tập chưa? Rất bổ ích. Cả cái chuyên đề mà trước đây anh quan tâm về quỹ Gen cho nhân loại ấy… đó là những nội dung rất cần thiết…
Hạ Đan bây giờ mới nói:
- Em đến Chí Tâm khi anh đã đi xa rồi. Chỉ còn nghe mọi người nhắc đến tên anh thôi. Sách của anh em đọc rồi…
- Bây giờ em làm ở đâu?
- Em phụ trách 2 tờ tạp chí: Thế giứoi doanh nhân và Sức khoẻ gia đình.
- Hay quá! Hai tờ ấy có thể làm được hay đấy.
- Nhưng đằng sau tờ tạp chí đó là tư nhân. Em phụ trách chính, phải đáp ứng quá nhiều những yêu cầu của họ. Vừa phải làm sao để nội dung cho hay, cho sang trọng, lại phải đáp ứng cả những yêu cầu về thị trường, về quảng cáo nữa… nhiều lúc mệt mỏi quá.
- Em có nói với tổng biên tập không?
- Tổng biên tập không chú ý đến những điều đó.
- Em không thể đi mãi trên con đường mà em thấy kiệt sức. Không thể làm mãi cái việc mà mình đã thấy mệt mỏi rồi, như thế chỉ mệt mỏi thêm mà thôi. Phải thay đổi đi. Với tờ Sức khoẻ gia đình, anh nghĩ, sức khoẻ tốt là do con người có hạnh phúc. Người ta bất hạnh, mệt mỏi về tinh thần thì không có sức khoẻ. Mà muốn có hạnh phúc thì phải chú ý đến những giá trị tinh thần. Chính những giá trị về tinh thần sẽ làm cho con người biết sống hài hoà, vươn đến cái đẹp và hạnh phục, cũng vì thế mà bảo vệ được sức khoẻ. Làm như vậy sẽ sâu sắc hơn, hay hơn, bổ ích hơn đưa những tin tức về án mạng, về ly hôn…
Thanh Huyền, bộc bạch:
- Năm anh đi xa, em cũng vừa đến Chí Tâm, lúc đó em không gặp được anh…
- Bây giờ em vẫn đang học?
- Em đi làm rồi…
- Em cố gắng học tập và làm việc cho tốt nhé.
Lúc này đã 11h30. sắp phải chia tay. Lãng Thanh nói:
- Em khuyên mọi người, hãy học thông thiên học để có thể nói chuyện được với các bậc tiền bối và để anh em mình có thể nói chuyện được với nhau. Như thế khỏi phải nhờ vả ai… Hẹn gặp lại nhé.
Hà Nội 1-11-2007
T.S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét