20 thg 3, 2012

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm kể chuyện viết kịch bản Mùi cỏ cháy

Toàn bộ sự khốc liệt của cuộc chiến diễn ra 81 ngày đêm tại “cối giã thịt” Quảng Trị được tái hiện một cách chân thực qua bộ phim Mùi cỏ cháy.
Cùng vợ chồng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và các diễn viên chính trong phim.
Tôi là một trong những khán giả may mắn đầu tiên được xem bộ phim Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười, kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) được công chiếu tại Hà Nội mở đầu cho Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII (sẽ diễn ra tại Tuy Hòa, Phú Yên từ ngày 15 - 17/12). Phim kể về bốn nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng – Long, đại diện cho một thế hệ sinh viên Hà Nội ra trận, chiến đấu hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị.

Toàn bộ sự khốc liệt của cuộc chiến diễn ra 81 ngày đêm tại “cối giã thịt” Quảng Trị này được tái hiện lại một cách chân thực khiến người xem không ai cầm được nước mắt. Ra về rồi mà tôi còn ám ảnh mãi với những hình ảnh về bốn anh lính trẻ, về cuộc chiến với biết bao thương đau, mất mát nhưng hào hùng... Tôi gọi điện chúc mừng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và hẹn gặp anh để được nghe anh kể thêm về quá trình viết kịch bản bộ phim.

Gặp lại Hoàng Nhuận Cầm khi tâm trạng anh còn bời bời. Người muốn xem quá đông, có người xem rồi muốn xem lại, các đơn vị bộ đội gọi về nói dù phải đứng trong rạp cũng xin được xem, trong khi phim thì mới in được 2 bản, 1 bản gửi đi Phú Yên phục vụ LHP17 rồi… Anh bảo: “Tôi mệt quá. Vừa đến đây, bị chiếc xe xạt qua, vỡ mất chiếc mũ xe máy đây này…” Lát sau anh lại bảo: “Vợ con tôi cũng không có vé để xem…”
Vậy nhưng rồi anh vẫn vui lòng trả lời tôi những câu hỏi mà bạn đọc quan tâm...

Hoàng Nhuận Cầm kể anh là người được đọc cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc rất sớm do gia đình liệt sỹ gửi tặng. Đọc xong, ngay đêm đó anh nằm trong phòng văn khóc nức nở. Anh không ngờ rằng mình lại được Nguyễn Văn Thạc ưu ái như thế qua những trang nhật ký để lại. Ngay sáng hôm sau, anh liền gọi cho anh trai Nguyễn Văn Thạc là anh Nguyễn Văn Thục và nói rằng: “Anh ạ, em sẽ viết một kịch bản lấy âm hưởng từ cuốn nhật ký này (Nhật ký Nguyễn Văn Thạc) và một số cuốn nhật ký khác như Nhật ký của Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, Vũ Đình Văn, Vũ Xuân… để tái hiện lại một thế hệ tài hoa ra trận. Một thế hệ tuổi xuân đi không tiếc đời mình vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Ngay sau đó, được sự gợi ý của anh Đinh Trọng Tuấn là “hãy từ những bài thơ của Cầm – nhật ký chiến tranh viết bằng thơ chuyển thành hình ảnh” và thế là Hoàng Nhuận Cầm quyết định bắt tay ngay với kịch bản phim Mùi cỏ cháy.

Trong quá trình viết anh đã tốn không biết bao nhiêu nước mắt, anh đã khóc ròng trên những trang kịch bản. Mỗi khi tái hiện lại hình ảnh một người bạn của mình là nước mắt anh lại rơi. Suốt thời gian đó, vợ con anh đi lại rón rén trong nhà. Không khí trong gia đình anh khi ấy như “một chiến trường Quảng Trị”... Sàn nhà ngổn ngang những trang bản thảo, trang ưng ý thì anh giữ lại, trang chưa ưng ý thì anh xé đi rồi viết lại. Khi hoàn thành bản thảo, anh ngã vật ra sàn nhà. Thấy vậy, vợ anh tiến lại gần lay anh dậy và nói “Thế là anh đã hoành thành nhiệm vụ rồi anh ạ. Anh đã trả được món nợ cho đồng đội rồi.”

Anh bảo khi viết kịch bản này như có các liệt sĩ phù hộ. Viết đến cảnh có hình ảnh Hoàng Thượng Lân thì tự dưng vợ anh ra chợ gặp một bà bán hàng đang đứng đọc cuốn “Tài hoa ra trận” của Hoàng Thượng Lân. Chị cứ nấn ná đứng sau lưng bà đọc, thấy thế bà quay sang hỏi chị “cháu thích đọc cuốn này à” và chị kể lại rằng chồng mình đang viết kịch bản về đoạn có Hoàng Thượng Lân. Ngay lập tức bà bán hàng cho chị mượn cuốn sách mang về và giới thiệu bà chính là người nhà của Hoàng Thượng Lân. Tiếp theo đó, khi viết đến đoạn có hình ảnh Vũ Đình Văn thì cuốn nhật ký của anh ấy lại đến với anh một cách ngẫu nhiên…

Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ với chúng tôi rằng việc chuyển thể từ ngần ấy cuốn nhật ký và nhiều bài thơ của anh cùng một số bài thơ của các tác giả khác không hề dễ dàng chút nào. Nhiều khi anh cảm thấy mình như kiết sức trên những trang bản thảo nhưng anh không dám quay đầu lại. Anh có cảm giác như các anh Vũ Đình Văn, Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Văn Thạc vẫn đang cầm súng chiến đấu ngay bên cạnh anh lúc này. Cảm giác ấy không cho phép anh dừng lại cho đến tận khi trang bản thảo cuối cùng của Mùi cỏ cháy hoàn thành.

Khi chúng tôi nhắc đến chi tiết bức ảnh bốn anh lính Hoàng – Thành – Thăng – Long và bức tượng màu trắng trong tấm ảnh, anh kể  rằng nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã tặng cho anh tấm ảnh cùng truyện ngắn Bức tượng dài 3 trang. Trong bức ảnh có bốn người, gồm cả anh Đoàn Tuấn thì 3 người bạn của anh đã hy sinh nơi chiến trường. Đó là một gợi ý quan trọng để anh cấu tạo nên kịch bản.

Hoàng Nhuận Cầm bắt đầu viết Mùi cỏ cháy ngày 27/7/2005 và kết thúc lúc 5 giờ sáng một ngày tháng 11 năm ấy. Sau đó, nhờ Cục Điện ảnh đầu tư nâng cao rồi đến năm 2010 thì kịch bản hoàn thiện được đưa vào sản xuất. Trước khi được dựng thành phim, Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Hữu Mười đã đưa anh Đinh Thế Huynh (Trưởng ban tuyên Giáo Trung Ương) đọc và góp ý từng câu từng chữ với tư cách một người lính vì anh Huynh cũng là người lính cùng lên đường ngày 6/9/1971. Sau đó anh Huynh còn động viên “cố gắng lên các bạn!”

Bộ phim đã thuyết phục khán giả bởi sự chân thực, sống động và bi tráng. Sau khi xem phim, cháu liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã gửi cho nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm một tin nhắn: “Chú Cầm ạ, Mùi cỏ cháy đã lấy đi của cháu rất nhiều nước mắt. Bộ phim đúng với những gì cháu rung cảm và mong đợi, và cháu cũng tin không ai có thể dửng dưng khi xem bộ phim này. Cháu cảm ơn chú Cầm vì đã cho cháu được nhìn thấy Nguyễn Văn Thạc và Hoàng Nhuận Cầm của tuổi 20 bằng xương bằng thịt. Mọi chi tiết đều thật lắm ạ, diễn viên đóng cũng rất đạt. Chúc mừng chú Cầm của cháu. Cháu Thảo- cháu chú Thạc.”
Trịnh Thanh Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét