Indra Nooyi, nữ CEO của PepsCo. |
Con đường học hành và khởi nghiệp
Indra Nooyi sinh ra và lớn lên tại Chennai, Tamil Nadu, Ấn Độ. Ngay từ nhỏ, Indra Nooyi đã là một cô bé cực kỳ cá tính, thông minh, học giỏi nhưng lại không “truyền thống” như các bạn nữ cùng trang lứa.
Ngay từ nhỏ, Indra Nooyi đã là một cô bé cực kỳ cá tính và thông minh.
Nooyi tích cực tham gia mọi hoạt động của trường, kể cả âm nhạc, thể thao. Bà không chỉ là cây ghi-ta hàng đầu trong ban nhạc rock nữ của trường mà còn là một vận động viên críc-kê. Ở Ấn Độ thời kỳ này nữ giới chơi críc-kê là điều vô cùng gây sốc đối với những người xung quanh. Thế nhưng Nooyi, bất chấp dư luận, vẫn tham gia những hoạt động yêu thích và say mê học tập.
Indra Nooyi tốt nghiệp chuyên ngành vật lý, hóa học và toán học Trường đại học Thiên chúa giáo Madras năm 1974. Sau đó Nooyi tiếp tục theo học thạc sĩ quản trị - kinh doanh ở Viện Quản lý Calcutta (IIM Calcutta), một trong mấy trường đại học danh tiếng nhất Ấn Độ và tốt nghiệp năm 1976.
Sau khi nhận bằng MBA, Indra Nooyi bắt đầu làm việc tại Ấn Độ với vị trí quản lý sản phẩm cho công ty dệt Mettur Beardsell và sau đó là hãng Johnson & Johnson. Mặc dù công việc ở hãng tiến triển rất tốt nhưng Nooyi không dừng lại ở đây. Bà luôn ấp ủ một mơ ước được sang Mỹ du học, rồi sống và làm việc ở đó. Bởi vậy, Nooyi dự thi chương trình thạc sĩ và đỗ vào Đại học Yale ở Mỹ năm 1978.
Ở trường Nooyi nhận làm quản lý ký túc xá và trực ca đêm. Công việc đã đem đến cho bà 50 xu một giờ. Sau hai năm theo học, Nooyi nhận bằng thạc sĩ về quản lý công và tư. Thời gian học ở Đại học Yale, bà hoàn thành khóa thực tập tại Booz & Company, một công ty tư vấn chiến lược và quản lý toàn cầu.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale, bà làm việc cho Tập đoàn Tư vấn Boston 6 năm với cương vị giám đốc dự án. Đến năm 1986, bà chuyển sang Tập đoàn Motorola với vị trí phó chủ tịch và giám đốc kế hoạch và chiến lược công ty.
Duyên nợ với PepsiCo
Pepsi đã thâu tóm nhà sản xuất nước ngọt Tropicana và tập đoàn Quaker Oats.
Hiện nay, với cương vị CEO, Indra Nooyi điều hành hơn 185.000 nhân viên của PepsiCo ở gần 200 nước. Ngay cả trong thời điểm kinh tế toàn cầu khó khăn nhất bà vẫn đem lại cho hãng một doanh thu lớn.
Năm 1994, khi vào làm việc ở PepsiCo, bà trở thành phó chủ tịch cao cấp về phát triển và chiến lược của công ty. Bà đã chỉ đạo công ty áp dụng chiến lược toàn cầu và tái cấu trúc tập đoàn Pepsi. Một trong những thành công lớn của Indra Nooyi vào thập niên 1990 là tập đoàn Pepsi đã thâu tóm nhà sản xuất nước ngọt Tropicana và tập đoàn sản xuất thực phẩm Quaker Oats.
Năm 1997, nhận thấy tương lai ngành thức ăn nhanh giảm đi, bà cho công ty tung ra các sản phẩm mang nhãn hiệu KFC, Pizza Hut, và Taco Bell. Đánh cược việc thay thế đồ uống và đồ ăn đóng gói, bà tham gia công việc điều hành tập đoàn và đem lại 3 tỉ USD doanh thu của Tropicana năm 1998. Thành công tiếp theo là 14 tỉ USD doanh thu của nhãn hiệu Quaker Oats năm 2001 và tạo nên nhãn hiệu Gatorade. Các bước chuyển biến chứng tỏ những chọn lựa của bà đều mang tính dự báo. Doanh thu của công ty tăng vọt và địa vị của bà cũng trở nên quan trọng hơn nhiều.
Các sản phẩm của PepsiCo
Năm 2006, Indra Nooyi là một trong hai người lọt vào vòng chung kết để kế tục CEO Steven Reinemund tiếp quản PepsiCo để trở thành nữ giám đốc điều hành của một trong những thương hiệu đồ uống nổi tiếng nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2006, dưới sự điều hành của Indra Nooyi, PepsiCo đã đạt được doanh thu gần 16 tỉ USD, trong đó lợi nhuận lên đến mức kỷ lục là 2,4 tỉ USD.
Năm 2007 bà tiếp tục được bầu làm chủ tịch HĐQT. Bà còn làm Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Độ và làm trong các ban của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, Trung tâm Lincoln cho Nghệ thuật biểu diễn và Ban Tổ chức của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Bà được trao tặng Huân chương danh dự Barnard của Đại học Barnard. Ngoài ra bà còn là Uỷ viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ. Cũng trong năm 2007, bà nhận được Giải thưởng Padma Bhushan của Chính phủ Ấn Độ.
Một CEO tận tâm và chu đáo
Indra Nooyi, một CEO tận tâm và chu đáo.
Mặc dù ham mê môn thể thao Cric-kê nhưng Nooyi đã trở thành một chuyên gia về số liệu thống kê người Mỹ ở New York. Nooyi là một người hiểu sâu sắc về bản chất, hiểu được dòng sản phẩm của PepsiCo và các số liệu tài chính theo chiều sâu. Chính Reinemund, cựu CEO của PepsiCo, giờ đây là hiệu trưởng các trường kinh doanh tại Đại học Wake Forest, cũng đã nhận thấy bà là "một người tận tâm sâu sắc", là người "có thể liên kết ban giám đốc với nhân viên hành chính."
Là Giám đốc điều hành, bà tiếp tục theo đuổi tầm nhìn đầy tham vọng và khác thường để tái cấu trúc PepsiCo. Bà cô gắng đưa công ty từ các sản phẩm thức ăn vặt đến các sản phẩm thức ăn có lợi cho sức khỏe, từ nước giải khát cô-la có ca-fê-in đến nước hoa quả, và từ giá trị cổ đông thành các doanh nghiệp trực thuộc hoạt động tốt. Bằng việc làm như vậy, Nooyi đang cố gắng vượt lên trên cả những thỏa hiệp trước đây giữa lợi nhuận và con người.
Bị thu hút bởi ý tưởng của mình - “hoạt động có mục đích”, bà muốn mang đến cho Phố Wall những gì nó muốn, đồng thời mang đến cho hành tinh những gì nó cần. “Điều đó không có nghĩa là loại trừ điểm mấu chốt”, bà giải thích trong bài phát biểu năm 2007, nhưng phần nào “chúng ta mang đến cho nhau những gì tốt đẹp cho kinh doanh cùng với những gì tốt đẹp cho thế giới.”
Indra Nooyi luôn cố gắng tạo ra các sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Năm 2010, Nooyi đã bảo đảm một nửa doanh thu ở Mỹ của hãng sẽ được mang lại từ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như các sản phẩm mang thương hiệu Gatorade với hàm lượng ca-lo thấp và bột yến mạch nhiều sợi. Công ty tăng cường sử dụng năng lượng gió và mặt trời thay cho các các nhiên liệu thông thường.
Indra Nooyi luôn tâm niệm rằng công việc kinh doanh của PepsiCo rõ ràng không phải là kinh doanh thông thường. Trong một lần phát biểu, bà nói: “Ngày nay con người đang đưa các nguyên tắc của mình vào việc mua hàng. Còn chúng tôi đang mang mục đích vào hoạt động của mình.” Nếu có thể vừa sản xuất thức ăn không độc hại vừa tạo ra lợi nhuận có căn cứ thì tương lai của PepsiCo mới có thể an toàn.
Tuy nhiên, những thách thức mới nhất mà Nooyi phải đối mặt bao gồm sự tăng giá nguyên liệu, chẳng hạn như giá dầu ăn, bột mì… để chế biến các sản phẩm của công ty; sự hững hờ của khách hàng đối với nước đóng chai như nhãn hiệu Aquafina của PepsiCo; và trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng tiêu thụ chậm các hạng mục sản phẩm; những cuộc chiến lâu nay với đối thủ Coca Cola có thể luôn luôn bùng nổ trở lại.
Thế nhưng Nooyi vẫn tiếp tục kết hợp hiệu quả hoạt động và mục đích tại PepsiCo, đồng thời đưa ra giải pháp thu gọn công ty lại. Trong những năm gần đây, với doanh thu hàng năm khoảng 39 tỉ USD, công ty do Nooyi điều hành trở nên lớn mạnh ngang hàng với nhiều cơ quan liên bang.
Mặc dù bận rộn với công việc nhưng bà luôn dành thời gian cho gia đình và người thân. Bà thường xuyên gọi điện về cho mẹ mình ở Ấn Độ hai ngày một lần. Có lần bà từng nói với phóng viên BBC: “Vào cuối ngày, tôi luôn tự nhắc nhở mình: Hãy đừng quên rằng bạn là một con người, một bà mẹ, một người vợ và một cô con gái.”
Trịnh Thanh Thủy
Theo PepsiCo và USnews
Theo PepsiCo và USnews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét