6 thg 7, 2011

Vắng bóng phim thiếu nhi thời văn hoá bị ô nhiễm

Nhân dịp hè xin đăng lại bài viết của Thiên Sơn, Đã đăng Tạp Chí Điện ảnh Việt Nam (Tháng 8/2010)

Tôi vẫn còn nhớ rõ, trong một số công viên của nước Pháp người ta đề biển ghi một câu nói nổi tiếng của nhà văn André Malraux, nguyên là Bộ trưởng Bộ văn hoá của nước Pháp. Câu nói đại ý: “Bây giờ là lúc phải tính đến cho trẻ em đọc bài thơ nào, nghe bản nhạc nào, xem bức tranh nào, điều đó cũng quan trọng như cho trẻ em ăn loại bánh mỳ nào, uống loại sữa nào”. Trong đời cầm bút của tôi, đó là một ám ảnh lớn, một suy tư về trách nhiệm của người làm văn hoá, nghệ thuật với các em thiếu niên, nhi đồng.
Tôi vẫn tin rằng, trong lòng của mỗi người thuộc thế hệ làm cha mẹ, ông bà, bao giờ cũng mong muốn dành cho các thế hệ tương lai những gì quý giá nhất, trong sạch nhất, niềm yêu thương lớn lao nhất. Và tôi hiểu, những nỗi bức xúc, thậm chí là đau lòng của họ trong một thời văn hoá bị ô nhiễm và phim cho thiếu nhi gần như bị lãng quên.
Kinh ngạc khi mở kênh truyền hình Việt Nam, vào giờ vàng buổi tối, một bộ phim dài tập được quảng cáo rầm rộ. Đập vào mắt tôi là cảnh phim đến gần một phút, bối cảnh trong một quán cà phê, mấy cô cậu tuổi teen ngồi pha thuốc rồi chích thẳng vào ven. Những ống xi lanh và những đầu kim nhọn hoắt, những giọt máu đỏ, những đường ven xanh, rồi cả những thân hình èo uột, những cảnh nhảy nhót điên loạn… Sợ quá! Hai đứa con nhỏ của tôi, đứa lớn chưa đến 5 tuổi cũng hướng lên màn hình. Tôi thấy trong người như có một cơn buồn nôn.
Tắt vội truyền hình, thẫn thờ suy nghĩ… Chúng ta đã vô trách nhiệm quá rồi. Chúng ta đã để cho trẻ em phải sống trong khói bụi, trong cảnh đào đường, trong thiên nhiên bị tàn phá, trong nguồn thức ăn bị ô nhiễm, và trong môi trường văn hoá cũng bị ô nhiễm nốt. Cảnh phim tôi nói đến ở trên nằm trong loạt phim nhân danh chống ma tuý nhưng đã đi quá xa do lạm dụng câu khách hoặc non tay của đạo diễn. Người ta muốn phản ánh một tệ nạn, vô hình chung lại đi giới thiệu tệ nạn đó đến mọi người, đến trẻ thơ.
Thiết nghĩ, khi nói về một tệ nạn, không nên mô tả nó một cách chi tiết bằng hình ảnh trên màn hình, mà nên cố gắng dùng các cách thức thể hiện làm rõ hậu quả tệ hại của nó, như thế mới có tác dụng giáo dục. Hơn nữa, khi làm phim về những đề tài phản cảm như vậy nên lồng vào những cốt truyện nói về lòng vị tha, nhân ái của con người, nên có bối cảnh thiên nhiên đẹp, có nhân vật hài hoà để bộ phim không còn là một đống những hình ảnh rác rưởi làm bẩn mắt bạn xem truyền hình. Không trở thành một liều thuốc độc với những tâm hồn trinh trắng.
Tôi đem những bức xúc của mình chia sẻ với một vài đồng nghiệp. Chị Hoàng Thị Bích Xuân, một nhà biên kịch chú ý đến đề tài trẻ em, mấy năm trước chị là người khởi xướng việc thành lập trại sáng tác kịch bản về đề tài phụ nữ và trẻ em. Chị nói: “ Điều cậu nói là bức xúc chung của rất nhiều người. Tại sao người ta lại vô trách nhiệm với trẻ em như thế. Lẽ ra, chúng ta phải có một kênh truyền hình dành cho thiếu nhi, chiếu những bộ phim các em yêu thích, sản xuất những chương trình dành riêng cho các em. Chúng ta có gần vài  chục triệu trẻ em, nhà nước phải đầu tư chứ. Bây giờ có phải thiếu sóng như ngày xưa đâu… Khắp mọi nơi, các kênh truyền hình được mở ra, điều kiện công nghệ, kỹ thuật không còn khó khăn nữa. Vấn đề hiện nay là nhận thức và một sự quan tâm thực sự với các em nhỏ. Văn hoá đối với các em nhỏ sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm hồn và trí tuệ của các em sau này”.
Tôi hỏi một người bạn công tác trong Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thì rằng đến giờ đã là hơn nửa năm 2010, VFC chưa có bộ phim nào về đề tài thiếu nhi được sản xuất. Trong khi đó, phim truyện về đề tài thiếu nhi ở các hãng khác cũng dường như chưa có dự án nào. Các công ty sản xuất chương trình truyền hình và hãng phim tư nhân thì chạy theo những đề tài câu khách. Phim hoạt hình sản xuất ở mức độ hạn chế và không thể đưa ra rạp vì nhiều lý do.
Sự ngỡ ngàng của tôi càng tăng khi ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia không có phim dành cho các em nhỏ nhưng cả sàn tầng một lại dành chỗ cho những trò chơi game cảm giác mạnh. Sự đầu tư này là có chủ ý vì lợi nhuận. Những màn hình lớn. Âm thanh chói tai. Hàng chục em nhỏ dán mắt vào màn hình. Trên đó hiện lên những trò đấm đá, bắn giết, đua xe, chạy trốn… Những trò chơi tốc độ cao, hấp dẫn đến mức các em quên hết những gì xung quanh.
Trong các gia đình, các quán internet, các em nhỏ cũng dán mắt vào các trò chơi game trực tuyến. Tôi đã đến nhiều vùng quê, các vùng nông thôn xa xôi cũng không thể tránh được cánh tay vươn dài của những trò chơi đầy bạo lực sản xuất từ Trung Quốc và các nước phương Tây. Trò chơi đó đã mang lại những tác hại ghê gớm, nó khiến các em bị phân tán, thiếu tập trung trong học tập. Nhiều trường hợp những loại game mang màu sắc bạo lực và tình dục đã đẩy trẻ em đến phạm tội.
Ở nhà xuất bản Giáo dục, nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty Văn hoá giáo dục Long Minh, Công ty sách Đông A, công ty sách Alpha… có nhiều sách tốt cho trẻ em. Trong các trường học, các thầy cô đang ra sức dạy các em thành người. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh giao lưu văn hoá và tư duy mở, trường học và sách vở không phải là tất cả. Phim ảnh, các kênh truyền thông, phương tiện nghe nhìn đang trở thành một thành tố quan trọng tạo nên môi trường văn hoá và môi trường giáo dục dành cho các em. Thế nhưng trên lĩnh vực nghe nhìn chúng ta đã để cho quá nhiều khoảng trống ngự trị. Dòng phim và các chương trình truyền thông dành cho các em dường như đang bị quên lãng, thiếu nhận thức đầy đủ, toàn diện và sự đầu tư thoả đáng.
Cứ tối tối các em nhỏ ngồi đợi đến 21h để xem chương trình “Chúc bé ngủ ngon”. Các em thực sự háo hức với chương trình và bài hát rất hay trong chương trình đó:
Bé ơi ngủ ngon đêm đã khuya rồi
Vầng trăng đợi em cùng bay vào giấc mơ
À ơi..à ơi… à à… à ơi…
Nhìn cảnh đó, tôi thấy hơi đau đau trong lòng. Để được xem chương trình yêu thích đó các em phải xem qua các chương trình quảng cáo với đủ các nội dung có thể nói là tệ hại như quảng cáo thuốc tránh thai, bao cao su, các thuốc chữa bệnh hay những sản phẩm khác dành cho người lớn…
Thật là bữa bãi và vô lý biết bao!
Chúng ta đã đối xử với trẻ em như thế đó.
Tôi mong và tôi tin rồi chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những bộ phim cho các em, nhiều chương trình văn hoá tiến bộ và trong sạch cho các em, chúng ta cũng phải xây dựng thêm những không gian văn hoá công cộng dành cho tuổi thơ. Sản phẩm văn hoá dành cho các em, phim ảnh dành cho các em phải là tinh tuý của dân tộc, chắt lọc tinh hoa của nhân loại.
 Đã đến lúc cần suy nghĩ và có một chiến lược văn hoá cho trẻ thơ, rồi nỗ lực hoạt động cho những mục tiêu cao đẹp đó thành hiện thực, nếu không, tất cả sẽ là quá muộn và chúng ta sẽ bỏ phí cả tương lai.
                                                                                                                       Thiên Sơn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét