Án oan
Vài bạn tôi thắc mắc tại sao mấy năm gần đây tôi làm thơ không vần. Tôi nói bông: “Vần điệu để ru ngủ nhau à, tôi thấy các anh ngủ suốt ngày rồi!”.
Thực ra tôi muốn tâm sự với bạn bè rằng gần đây tôi mắc chứng mất ngủ, chòng chọc suốt đêm này đêm khác, hưởng thụ nỗi cô đơn. Tôi lại có thú ham đọc sách, không ngủ được lôi sách ra đọc, Đông, Tây, Kim, Cổ… tôi ngốn hết. Thi thoảng cũng vẽ nhì nhằng vài bức tranh, soạn vài bản tân nhạc. Ấy chính vì thế mà hằng ngày tôi phải quần quật kiếm thật nhiều tiền để người ta đỡ nghi tôi muốn trở thành “thiên tài nghệ thuật”. Có nhiều tiền là yên tâm, hủ tục ở quê tôi coi cá nhân xuất chúng là phải sống trong cảnh nghèo khổ, long đong, lập dị, chết sớm… Em Đào Lan lý sự: đây là quy luật, “cái số nó vận vào”. Ngày nhỏ tôi lại sớm nổi tiếng với tài thơ - mặc dù loại thơ con cóc ấy tôi đã đốt cả. (Nhiều thi gia trước kia không kịp đốt mấy tác phẩm ngớ ngẩn của mình, nay bị bọn hậu duệ trưng ra, tán dương, các cụ nằm dưới mồ chắc cảm thấy nhục với mình lắm). Sau này đi thi đại học, để lấp liếm chút tài vặt ấy trong lý lịch thuần khiết của mình, tôi vội đâm đơn thi ngay vào một trường kỹ thuật. Dân quê tôi rất trọng bằng cấp, có một cái mác “kỹ sư” không ai dở hơi nghĩ “nó có máu nghệ sỹ”.
Thế rồi cái kim trong bọc cứ lòi ra, cô bạn gái thân nhất tìm cách lancer các tác phẩm của tôi. Khổ nỗi tôi ảnh hưởng mạnh từ Surrealism, Abstract expressionism, vì thế chẳng mấy người hiểu giá trị hèn kém trong các sáng tác của tôi. Vậy là xuất hiện tin đồn tôi “ẩn nhẫn chờ thời”, muốn “nổi danh về sau”. Dù chỉ năm tháng sau tôi bị người yêu bỏ nhưng các bạn cô vẫn coi tôi là “thần tượng”. Thế rồi để phủ nhận sự gán ghép ấy tôi chỉ còn một cách là chui vào một cái vỏ ốc, hạn chế giao tiếp với đám đàn bà, phát huy những cuộc tình chớp nhoáng nhưng bí mật. Bởi vì tôi biết dân ta quan niệm nghệ sĩ là phải “trăng hoa”, quyến luyến với các mối tình sóng gió, chấn động dư luận.
Hiếm ai hiểu động cơ nào mà tôi tìm cách từ chối cái danh “nghệ sĩ” hão ấy. Chính là vì tôi nhát chết!... Gần nhà ông nội tôi khi xưa có một ông nhà văn không hiểu vì lý do gì đã tự tử. Khi sống bị người ta khinh, sau khi chết đi một số người khen thì khen hết lời, một số nay vẫn chửi ông thậm tệ như Whitman đã từng bị chửi. Tôi thì tôi không bằng lòng tự tử một cách vô lý!
Suy ngẫm cho kĩ, trong lịch sử không biết chừng có nhiều thằng bất tài, bị người ta gán cho cái danh “nghệ sĩ”, chụp cho cái mũ “đệ nhất”. Thế rồi sẽ có một cái đám ma tống tiễn “oan hồn”. Amen! “Bất đắc kỳ tử”. . .
22/07/2001
Lãng Thanh
Danh hoạ(1)
Hội hoạ(2) Việt Nam khởi sắc theo đạo Phật từ thế kỷ X-XI và thể hiện bản sắc riêng rõ nét. Cùng với tinh thần nhà Phật, trong hội hoạ đã xuất hiện loại tranh tứ quý, tứ thời. Các hoạ gia Việt Nam tiếp thu nhiều lối vẽ tranh thuỷ mặc và thuỷ mặc đạm thái của Trung Quốc, chú trọng đặc biệt về nét bút. Cáo tật thị chúng là một danh tác vẽ mai của Mãn Giác thiền sư sử dụng lối câu lặc pháp vô cùng vi diệu.
Thiên tài hội hoạ đầu tiên của nước ta là Nguyễn Trãi (1380-1442). Ông am hiểu mọi thể loại của hội hoạ Trung Quốc từ sơn thuỷ, nhân vật cho đến hoa điểu. Một số tranh sơn thuỷ của ông chịu ảnh hưởng Nam tông có màu sắc xanh lục, kim bích với nét vẽ mạnh, dùng mực đậm đặc. Những tranh nổi tiếng thuộc loại này như: Quá Thần Phù hải khẩu, Dục Thuý sơn, Vân Đồn, Côn sơn ca.
Phải đến thế kỷ XVIII thì mới ra đời loại tranh cuộn có cảnh trí dàn trải theo phép “phối cảnh tẩu mã”. Tác phẩm Sơ kính tân trang của Phạm Thái là một tác
phẩm tiêu biểu. Phạm Thái (1777-1813) tự Đan Phượng, hiệu Chiêu Lỳ, đạo hiệu Phổ Chiêu thiền sư, quê tại trấn Kinh Bắc. Ông vẽ hàng loạt cảnh trí rất đa dạng của non sông đất nước Việt Nam. Tranh ông có nhiều cách tân về hình khối, màu sắc. Xem tranh ông không thể quên cảnh đá sực sực, nước cồn cồn, đùn đùn khói núi… thi thoảng có bức vẽ cảnh tấp nập thuyền bè, rộn rã chợ cá (Đồ Sơn), cảnh cửa khẩu phồn vinh (Vạn Ninh). Tranh nhân vật của Phạm Thái vô cùng kỳ thú. Ông để lại nhiều tiểu phẩm châm biếm miêu tả bọn sãi vãi, sư tăng, tiểu gái. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng những bức chân dung Trương Quỳnh Như của ông vẫn còn bộc lộ sự non kém của kỹ pháp.
Nguyễn Du - đại hoạ gia số một của Việt Nam để lại một di sản vô cùng đồ sộ. Bộ tranh cuộn Đoạn trường tân thanh của ông diễn tả một cốt truyện có gốc từ Trung Quốc. Nguyễn Du là hoạ gia Việt Nam đầu tiên thuần thục cả lối vẽ công bút lẫn tả ý và nâng nó lên một tầm cao chưa từng thấy. Ông sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu và màu vẽ của dân tộc. Có thể kể tên một loạt các tranh cuộn của các hoạ gia khác như Hoa tiên, Bích Câu kỳ ngộ, Tây Sương, Lục Vân Tiên, Phan Trần… nhưng không bộ tranh nào hoàn hảo như Đoạn trường tân thanh. Ngoài ra Nguyễn Du còn sáng tạo hàng trăm bức tranh nổi tiếng khác như: Sở kiến hành, Long Thành cầm giả ca… Ông được coi là “bách khoa thư” của đời sống xã hội Việt Nam, là “tập đại thành” của hội hoạ cổ điển. Ông có tinh thân cách điệu và giản hoá mạnh để tạo các mảng lớn, trau chuốt chi tiết kết hợp với bố cục thoáng đãng và hình nét uyển chuyển mang đậm tính Á Đông, bảng màu đơn giản hài hoà. Nhiều chi tiết trong tranh ông mang tính trang trí.
Nhà cách tân kiệt xuất của nền hội hoạ Việt Nam lại là một phụ nữ - Hồ Xuân Hương. Bà nổi tiếng với loại tranh hoa tình và là nữ hoạ sĩ đầu tiên vẽ tranh khỏa thân. Bà được tôn là tổ sư của hoạ phái ấn tượng, hoạ phái dã thú sau này. Tranh của bà làm xôn xao dư luận đương thời bằng màu sắc tương phản gay gắt, táo bạo bộc lộ những xúc cảm mạnh mẽ trước thiên nhiên. Bà là nhà điều sắc vĩ đại của nền mỹ thuật dân tộc. Phải đến thế kỉ XX những cách tân của bà mới được đón nhận một cách thấu triệt. Bà sử dụng bảng màu nguyên để diễn tả cầu trắng phau phau, đen trùm một thức mây, xanh om cổ thụ, trắng xoá tràng giang, cửa son đỏ loét, bậc đá xanh rì. Bà có nhiều đột phá về phương diện tạo hình, không quá trau chuốt đường nét mà giữ lại những nét cốt tử nhất, sinh động nhất, giản lược tinh tế đến cực độ. Bởi vậy những bức tranh như Tranh Tố nữ, Giếng nước, Sư hổ mang, Động Hương tích, Thiếu nữ ngủ ngày, Hang cắc cớ, Đánh đu, Cảnh thu, Đèo ba dội … xứng đáng là những tác phẩm tạo hình mẫu mực. Tranh của bà luôn cung cấp cho người thưởng ngoạn những liên tưởng táo bạo trên cái nền tả chân, chẳng hạn như bức Dệt cửi, và loạt tranh quạt vô tiền khoáng hậu. Qua đó ta thấy phong cách tạo hình của bà vượt ra ngoài truyền thống Trung Quốc và Việt Nam, là một phong cách cá nhân độc lập, sáng tạo, hết sức đặc sắc.
Không có ý thức đột phá như Hồ Xuân Hương nhưng Đoàn Thị Điểm (1705-1746) và Nguyễn Gia Thiều lại làm người ta kinh ngạc bởi quy mô hoành tráng của hai kiệt tác tranh tường Chinh phụ và Cung oán , một bức miêu tả chân dung người chinh phụ còn bức kia miêu tả người cung nữ, mỗi bức tranh ước chừng hơn 300m2. ( Bức chân dung chinh phụ của bà Điểm được xây dựng theo nguyên mẫu phác thảo của Đặng Trần Côn (1740-1742). Hai hoạ gia tập trung miêu tả kĩ lưỡng chi tiết tới từng đường tơ kẽ tóc, nhằm làm nổi rõ tâm lí nhân vật. Cho đến nay vẫn chưa ai vượt qua được hai người này về thể loại tranh hoành tráng. Đầu thế kỉ XX chứng kiến một sự đổi sắc của nền mỹ thuật Việt Nam. Các hoạ sĩ thế hệ trẻ dựa trên sự kế thừa tinh hoa ưu tú của lịch sử dân tộc kết hợp với những tư tưởng và thủ pháp du nhập từ phương Tây đã mang lại cho nền hội hoạ nước nhà một diện mạo mới. Các trường phái siêu thực, lãng mạn, tượng trưng, lập thể, ấn tượng, tân cổ điển … dần dần xuất hiện ở Việt Nam. Đại biểu của phái lãng mạn là Xuân Diệu nổi tiếng với bức tranh Đây mùa thu tới và Nguyệt Cầm. Loạt tranh Điêu tàn của Chế Lan Viên sử dụng gam màu lạnh làm cho chúng ta cảm thấy hoang mang, cô đơn, u trầm, phảng phất những nỗi buồn sâu sắc. Hàn Mạc Tử tiến xa tới chủ nghĩa tượng trưng với ba biểu tượng được lặp lại nhiều lần: trăng, hồn, máu. Hàn cũng là hoạ gia vẽ tranh đẹp nhất về Maria và Chúa. Tranh của Hàn cho thấy sức tưởng tưởng diệu kì của hoạ sỹ, nhiều bức mang dáng dấp siêu thực như Trường tương tư, Cô gái đồng trinh. Siêu thực một cách thuần tuý là Nguyễn Xuân Sanh với nhiều tranh được coi là bí hiểm, ông rất nổi tiếng với bức tĩnh vật: đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà, nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm. Trường phái Tân cổ điển nổi lên hoạ sỹ hàng đầu là Nguyễn Bính, mặc dù Anh Thơ và Đoàn Văn Cừ rất trung thành với hoạ phái này. Bản thân Nguyễn Bính giai đoạn sau có sự chuyển biến phong cách, đề tài và các sáng tác ngày càng mờ nhạt. Một đặc điểm của nền hội hoạ mới là sự xuất hiện các phong cách cá nhân riêng biệt, không trộn lẫn với nhau, thực sự hình thành cục diện trăm hoa đua nở.
Những năm cuối thế kỉ XX chúng ta lại phải chứng kiến một sự suy thoái của nền mỹ thuật dân tộc. Các hoạ sĩ của chúng ta phần lớn không chịu đào luyện kỹ thuật, thủ pháp, trau dồi hình hoạ, bố cục. Họ cố gắng và mong muốn cách tân nhưng lại tuyệt nhiên không nắm vững cơ bản. Chủ nghĩa trừu tượng và lập thể tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh nhưng vẫn chưa được công chúng nhiệt tình đón nhận. Một bộ phận hoạ sĩ chuyển sang khai thác các yếu tố dân tộc nhưng vẫn chỉ giới hạn ở đề tài chứ chưa có những tìm tòi đáng kể.
(1) Đầu đề tác giả đặt, với hàm ý nhà thơ chính là người hoạ sĩ vẽ bằng ngôn từ.
(2) Một cách nói, nhấn mạnh tính hội hoạ trong thi phẩm.
26/06/2001
Lãng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét