20 thg 7, 2011

Nhà văn Sơn Tùng, một huyền thoại đời thường …


Nhà văn Sơn Tùng, một huyền thoại đời thường  

                                                                                          Thiên Sơn

Ngày 14-7-2011, nhà văn Sơn Tùng đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Ngày 17-7- 2011, Chủ tịch Nước đã đến thăm nhà văn Sơn Tùng tại nhà riêng. 


1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bước vào căn phòng nhỏ của nhà văn. Ông cầm trên tay bó hoa tươi thắm. Chủ tịch nước ân cần: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi chúc mừng anh.” Nhà văn Sơn Tùng ngồi lặng. Sau cơn tai biến hiểm nghèo năm ngoái, ông không còn đi lại được, cũng không nói được nhiều. Ông chỉ nói khẽ: “Cảm ơn anh”.  Chủ tịch Nguyễn Minh Triết ôm lấy nhà văn Sơn Tùng. “Anh đã khá lên nhiều so với hai lần tôi đến thăm anh ở bệnh viện năm ngoái”.  Chủ tịch nói tiếp: “Vừa rồi tôi có về Tây Ninh công tác, có qua chỗ chúng ta từng sống và công tác trong rừng, tôi đến chỗ anh bị thương ngày ấy, bây giờ, mọi thứ đã thay đổi nhiều…”
 Giọng Chủ tịch ngừng lại, xúc động. Thế mà đã 40 năm ba tháng kể từ ngày nhà văn Sơn Tùng bị thương. Những kỷ niệm cũ dội về… Ngày ấy (15-4-1971), nhà văn Sơn Tùng là chủ  bút báo Thanh niên giải phóng, kiêm bí thư chi bộ cơ quan, và người đồng nghiệp trong cùng cơ quan của ông là chàng thanh niên thư sinh đầy thông minh, tháo vát Nguyễn Minh Triết từ phong trào sinh viên ở Sài Gòn lên chiến khu. Trong cái buổi sáng đạn bom ác liệt “khi anh Sơn Tùng bị thương, tôi cũng có mặt ở đó chăm sóc anh, đưa anh đi cấp cứu” – chủ tịch nói tiếp.
Tình bạn đẹp giữa hai con người từ thời trai trẻ ấy, vượt qua thời gian và biết bao thăng trầm của số phận, để rồi đến một ngày như hôm nay, một người là Chủ tịch nước đến thăm lại người đồng đội cũ - là nhà văn đầy tâm huyết, trí tuệ và kiên trung vừa được đích thân ông ký quyết định phong danh hiệu anh hùng.

2. Từ chiến trường về, nhà văn Sơn Tùng bị thương mất 81% sức khỏe, ba mảnh đạn còn trong đầu, khắp người có 14 vết thương. Từ chối chế độ điều trị dài hạn ở Trung Quốc, ông tự tập luyện kiên trì để tự chữa bệnh cho mình. Có những lúc không có nhà ở, vợ chồng ông đã từng phải ở trong những chiếc lều tạm bằng giấy dầu, có khi làm tạm một chiếc gác xép bên trên chiếc chuồng lợn của một người quen biết… rồi cuối cùng mới có được một chỗ ở 8m2, sau gom góp dần, đổi thành 16m2. Tròn 50 năm nay ông không được tăng một bậc lương. Khó khăn, thiếu thốn nhưng ông không bao giờ nghĩ đến sự thiệt thòi của riêng mình. Ông bảo: “Từ chiến trường, còn sống trở về được là may mắn lắm rồi. Bao nhiêu người đã đổ máu, đã mất cả cuộc đời cho độc lập tự do. Mình còn sống trở về thì phải sống sao cho xứng đáng là một con người”.
Từ khi còn rất trẻ ông đã gặp anh trai và chị gái Bác Hồ, đã tìm được nhiều tư liệu quý nhưng không có điều kiện để viết. Cuộc sống trong chiến tranh khốc liệt, ngặt nghèo, bao nhiêu dự định đành lùi lại. Từ khi bị thương ở chiến trường về ông mới thực sự có thời gian dành cho việc viết văn. Và hầu như toàn bộ sự nghiệp văn chương khá đồ sộ của ông đều được viết trong gần 40 năm qua, trong điều kiện khó khăn, thương tật dày vò.
Hàng ngày ông dậy lúc ba giờ sáng. Vệ sinh cá nhân rồi ông tập thiền. Sau đó thì ông bắt đầu viết. Cứ như vậy, ông viết đến khoảng 11 giờ. Thời gian còn lại ông dành để đọc và nắm bắt thông tin, ngoài ra, ông tiếp khách. Suốt bốn mươi năm từ sau khi ở chiến trường ra, phòng khách của ông mỗi ngày có cả chục khách, đủ mọi tầng lớp, từ trẻ đến già, từ nam chí bắc…
Thời kỳ đầu, ông phải cột bút vào giữa hai ngón tay còn lành lặn mà viết. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại sưng tấy, chảy máu, những cơn động kinh co giật khiến ông đau đớn vật vã. Nhưng khi cơn đau qua đi, ông lại ngồi vào bàn viết. Những trang văn của nhà văn Sơn Tùng đúng là những trang huyết lệ. Ông viết chậm, nặng nhọc, cân nhắc từng câu, từng từ, tra cứu kỹ lưỡng từng tư liệu. Chính vì vậy, suốt bốn mươi năm viết về Bác Hồ và các danh nhân Cách mạng với khoảng chục ngàn trang viết nhưng ít ai có thể bắt bẻ được một chi tiết nào. Văn của ông giản dị, mạch lạc mà hàm súc, đa nghĩa, giàu tính nhân văn và triết luận, trong sáng và sang trọng.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm nhà văn Sơn Tùng và chụp ảnh chung với gia đình, 17.7.2011

3. Nhà văn Sơn Tùng coi văn chương như một thứ đạo. Ông đến với văn chương một cách nhiệt thành, tận tụy. Bốn mươi năm nay ông sống như một nhà tu hành. Hàng ngày, mỗi bữa cơm ông chỉ ăn lưng bát, thêm một chút rau. Vốn là một người hào hoa, hoạt bát, vậy mà sau khi bị thương, ông từ bỏ mọi hội hè, ẩn vào lặng lẽ. Chẳng bao giờ ông gửi tác phẩm dự thi, có khi ông từ chối cả những giải thưởng. Ông chẳng bao giờ quan tâm đến việc mình sẽ được gì, chỉ quan tâm đến cuốn sách có nói được những điều ông trăn trở và gửi gắm hay không, bạn đọc cảm nhận về nó ra sao? Khi sách ra, có đồng nhuận bút nào, ông đều mua sách tặng bạn bè.
Với những người thân trong nhà, gần như cả đời ông không một lời to tiếng. Không bao giờ ông áp đặt ai điều gì. Trước một việc cần phải nêu ý kiến thì ông nhẹ nhàng khuyên hợp tình hợp lý. Ông nhường nhịn tất cả mọi người, trong tất cả mọi việc, ông nghĩ đến người khác trước khi đến bản thân mình.

4. Bình thường, sau bữa cơm trưa, ông vẫn trải tờ báo xuống nền nhà, nằm và tiếp tục tâm sự với bạn bè. Bao nhiêu mơ ước lớn và khát vọng cống hiến, khi bị thương nặng, ông đành gác lại một phần. Về những mong ước cho riêng mình, ông bảo ông chỉ mơ có một căn nhà nhỏ, một mảnh vườn nhỏ có nhiều hoa, có tiếng chim hót mỗi sớm mai… Ông rất thích chăm tưới hoa và cho chim ăn. Ông vì công việc mà phải ở Hà Nội, ông bảo, khi không làm được nữa, ông muốn về quê…
Vậy mà, cả đời ông, những năm sương gió ở chiến trường, ngủ trong rừng, ngủ dưới hầm. Hòa bình rồi, bốn mươi năm bị thương nặng, làm nhà văn nổi tiếng, nhưng chỉ đến khi ông tai biến nặng từ bệnh viện trở về, bà Hồng Mai – người vợ hiền tần tảo của ông mới thu xếp kê một chiếc giường trong căn phòng chật hẹp. Từ lúc đó ông mới được nằm giường. Hôm 17-7 vừa rồi, chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến thăm, lại phải tháo chiếc giường để kê hai chiếc ghế...
Phòng ở bây giờ của gia đình ông cũng không có công trình phụ.
Nghèo khó, thương tật, và cả uy vũ, chẳng điều gì có thể lay chuyển ông. Trang văn như tấm gương soi đời ông trinh bạch. Từ lâu, những người thân biết đã coi ông là một người anh hùng…
                           (Theo nguyentrongtao.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét