14 thg 7, 2011

CHUYỆN KỂ VỀ MỘT NGƯỜI ANH HÙNG CẦM BÚT


                                                                     Thiên Sơn


Những ngày này mỗi khi đến thăm nhà văn Sơn Tùng trở về tôi lại không khỏi ngậm ngùi. Ông nằm trên một chiếc giường nhỏ, kê trong căn phòng chật hẹp chỉ có mấy mét vuông. Bàn tay duy nhất còn cử động được giơ lên bắt tay. Bình thường ông vẫn hé nụ cười, còn khi đau đớn thì im lặng, có khi nhắm mắt lại. Ông không nói được nhiều, giọng cũng không còn rõ và trí nhớ đã giảm đi. Những lúc như thế tôi thường cầm bàn tay ông, lặng ngồi bên cạnh…

Đối với tôi, nhà văn Sơn Tùng là một người vô cùng tôn kính và gắn bó. Ông dạy tôi “thành nhân trước khi thành nghiệp”, người cầm bút thì trước hết phải lo sửa mình, có nhân cách làm người thì mới có thể là một nhà văn. Còn phương châm sống của ông từ ngày bị thương rời chiến trường là “dù có tàn phế thân thể nhưng không để tàn phế tâm hồn”. Những lời vàng ngọc ấy hằn in mãi trong tâm hồn tôi, trở thành hành trang mà tôi mãi mang theo trong năm tháng.
Suốt hai mươi năm qua, cứ một vài ngày tôi lại đến thăm nhà văn. Tôi đã chứng kiến cuộc sống của ông khó khăn thế nào khi cứ phải chống chọi với những cơn đau vết thương chiến tranh và mang trong lòng những nỗi niềm nhân thế. Chỉ có điều trước mọi người ông thường ông cố nén và hòa đồng để quên những cơn đau ấy đi. Còn những lúc vắng khách, nếu đau quá thì ông ngồi thiền trên tấm phản trong phòng văn. Đau ít hơn thì ông nằm tạm nghỉ nhưng vẫn cầm trên tay cuốn sách hay tờ báo say mê đọc. Lúc vết thương tạm ổn thì ông tranh thủ viết. Có lúc say mê quá, máu từ các miệng vết thương trên đầu rỉ xuống ướt đỏ cả cổ áo mà ông không biết…
Từ khi ở chiến trường ra 40 năm trước, căn phòng nhỏ của ông không mấy khi vắng khách. Từ các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá học nổi danh như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Khắc Viện, Phan Ngọc, Minh Giang, Siêu Hải, Mạc Phi, Đào Phan, Tân Trà… cho đến những nhà văn, nhà báo trẻ, những sinh viên các trường đại học, những cháu học sinh phổ thông… vẫn hàng ngày đến thăm ông. Thậm chí cả những người tật nguyền, ốm đau, cơ nhỡ… cũng đều tìm đến ông, để được lắng nghe ông kể chuyện, để nhận được những lời động viên an ủi… Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng tìm đến căn phòng của ông mà trước khi rời đi, họ đều nói lên những ấn tượng đậm nét và lòng cảm phục chân thành. Và cứ thế, phòng khách của ông tuy nhỏ, chật chội, khách ngồi kín chỗ, ngồi dưới cầu thang, ngồi trên cả lối đi để nghe nhà văn nói chuyện. Chiếu văn của nhà văn Sơn Tùng tập hợp những văn nhân và cán bộ lão thành cứ mỗi tuần lại tụ họp một lần. Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ và ngày Quốc khánh khách thập phương lại kéo về như một cung đền nhỏ thắp hương và khấn nguyện Người. Hết lớp này  đến và đi nhường chổ cho lớp khác lại đến…
Từ cơ quan, tôi hay về thăm nhà văn Sơn Tùng vào buổi trưa, tranh thủ thời gian vắng khách để được trò chuyện với ông nhiều hơn. Sau bữa cơm trưa đạm bạc, ông thường trải tờ báo xuống nền nhà, ngả lưng và tiếp tục trò chuyện. Đó là những câu chuyện riêng, nhắc lại những hoài vọng cũ, những người đã giúp đỡ ông trong chiến tranh mà sau khi bị thương không có điều kiện gặp lại; đó là những ưu tư về nhân tình thế thái và lời dặn dò gửi trao kinh nghiệm cả đời văn...
Bình thường, nhìn ông đã bước qua tuổi 80 vẫn sôi nổi, tươi tắn, lịch thiệp, ít ai hình dung nổi ông đã từ cõi chết trở về, 81% sức khoẻ đã đổ xuống chiến trường. 14 mảnh đạn còn trong người. Có 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não không thể giải phẫu lấy ra được.
Có lần ông kể với tôi về những ngày đầu sau khi bị thương. Tai bị rách phải vá lại. Tay và chân đều trúng mảnh đạn, không đi lại được. Tay phải co quắp trước ngực. Thị lực còn 1/10. Mảnh đạn trong đầu thỉnh thoảng dội lên những cơn đau kinh hoàng. Mỗi lần có tiếng sấm chuyển mưa, lại bị động kinh, lên cơn co giật vật vã. Thế mà sau khi ra Bắc, ông từ chối việc điều trị dài hạn ở Trung Quốc, tự mình luyện tập hàng ngày, sức khỏe phục hồi dần, cứ 3 giờ sáng là ông dậy, tập thiền, rồi cột bút vào những ngón tay co quắp mà tập viết. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, những trang viết về Bác Hồ, về các danh nhân, về nhân dân… lần lượt được hoàn thiện và ra mắt bạn đọc.
Chính vì những nỗ lực lớn lao ấy, thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã ca ngợi ông: “Một người chỉ còn 3 ngón tay mà bám được vào đời bằng nghề viết”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôm lấy nhà văn Sơn Tùng và nói trước các nhà văn đến thăm ông trong dịp mừng thọ Đại tướng tuổi 90 rằng: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương về nghị lực phi thường mà tôi học được rất nhiều”. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, ngày còn giữ cương vị Trưởng ban dân vận Trung Ương, tại phòng khách nhà văn Sơn Tùng đã chỉ vào ngực, nói với tôi và nhà báo Từ Khôi: “Đối với tôi, anh Sơn Tùng là đại sư phụ”. Qua câu chuyện hôm ấy tôi được biết hai người là bạn thân thiết ở chiến trường B2 máu lửa và có những kỷ niệm sâu đậm mang theo suốt cả cuộc đời. Hồi ấy hai người đều có bí danh là Sáu Phong, trong cơ quan thường gọi là “Sáu Phong anh và Sáu Phong em”. Hòa bình lập lại, dù ở những cương vị khác nhau nhưng hai người bạn thuở chiến tranh máu lửa vẫn thường nghĩ về nhau và đến thăm nhau…

*
*      *

Năm 1972, máy bay B52 Mỹ ném bom Hà Nội, nhà văn Sơn Tùng vừa ở chiến trường ra, dù vết thương còn hoành hành, đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn xông pha vào những nơi ác liệt sớm nhất và viết nhiều bài báo xúc động để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc. Khi miền Nam vừa giải phóng, ngay trong những tháng ngày bề bộn sau 30-4-1975, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai đã có mặt ở Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Cao Lãnh, Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) để lấy tư liệu về Bác Hồ, về cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông đi đến nhiều nơi khác của miền Nam để tìm tư liệu về Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trần Phú, về bà Lê Thị Huệ, về Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ tổ quốc, và nhiều danh nhân cách mạng khác… Ông bỏ tiền túi, thậm chí bán cả những vật kỷ niệm để lấy tiền đi tìm tư liệu…
Năm 1994, khi tiếp nhà văn Sơn Tùng tại văn phòng, Tổng Bí thư Đỗ Mười tỏ ý muốn biết về ý nghĩa của chữ ký kỳ lạ của nhà văn. Nhà văn Sơn Tùng đã nói với Tổng Bí thư rằng: “Chữ ký của tôi là hình nén hương trên mộ các anh hùng liệt sĩ”. Tổng Bí thư ngạc nhiên, hoá ra chữ ký đó không chỉ giống như một cây tùng trên núi, mà còn hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, mang tư tưởng của nhà văn…
Xuất thân trong một gia đình cách mạng 1930-1931, từ 9 tuổi nhà văn Sơn Tùng đã mồ côi cha và chứng kiến những đồng chí của cha bị Pháp bắt. 19 tuổi ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ôm mộng viết văn từ rất sớm. 20 tuổi người thanh niên Sơn Tùng đã tìm hiểu về tư liệu Bác Hồ qua người chị gái và anh trai của Bác. 27 ông tuổi trở thành đại biểu của Việt Nam đi dự đại hội thanh niên sinh viên thế giới. Rồi sau đó trở thành giảng viên của trường Đại học nhân dân, rồi phóng viên được Bác Hồ tin cậy, nhiều lần được đi theo Bác viết bài. Trở thành người đứng đầu tổ phóng viên chiến tranh của báo Tiền Phong phụ trách từ Vĩnh Linh ra Thanh Hoá. Nhận nhiệm vụ vào chiến trường B2 lập và làm chủ bút Báo Thanh niên giải phóng năm 1968 khi mới 40 tuổi, cùng lúc với việc nhận giấy báo tử của người em trai hy sinh ở chiến trường…
Sau khi bị thương tại chiến trường miền Nam năm 1971 được các chiến sỹ cáng thương vượt Trường Sơn quay trở ra Bắc,  Sơn Tùng mới thực sự có đủ các điều kiện bắt tay vào đề tài mà mình ôm ấp từ hàng chục năm trước. Vật lộn với những cơn đau triền miên, với những vết thương thỉnh thoảng lại rỉ máu mà viết. Gần 30 tác phẩm đã ra đời và đã để lại những tiếng vang, làm xúc động nhiều tầng lớp độc giả cả trong và ngoài nước. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Con người con đường, Người vẽ cờ tổ quốc, Trần Phú, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất, Lõm, Hoa dâm bụt, Bác về, Vườn nắng, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Vườn nắng, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức của bà mẹ Nga, Tấm huy hiệu Bác Hồ… 

Qua các tác phẩm của Sơn Tùng, người đọc nhận thấy một tư tưởng nhân văn nhất quán, một phương pháp sáng tác tái dựng lịch sử theo nguyên tắc chân thiện mỹ. Đề tài của ông trải dài từ thời Cần vương cho đến nay. Dưới ngòi bút của ông, đã sống lại những chân dung các bậc anh hùng, liệt sĩ bị quên lãng vùi lấp trong lịch sử, đã sống lại những tư tưởng nhân văn, tư tưởng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Từ mẹ Đặng Quỳnh Anh, một người làm những công việc bình thường nuôi các nhà cách mạng Việt Nam ở Thái Lan, từ Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ cờ tổ quốc, sau 39 năm mất hút trong lịch sử nhờ cuốn sách của ông mà đã được trao bằng Tổ quốc ghi công. Từ anh hoạ sĩ mù Lê Duy Ứng, vẽ Bác Hồ bằng máu trên đôi mắt bị thương của mình trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Từ hình tượng đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Và đáng nói nhất, là về đề tài Bác Hồ. Cho đến nay, nhà văn Sơn Tùng là người đầu tiên và duy nhất viết nhiều tiểu thuyết và truyện về Bác Hồ. Với 14 đầu sách về lãnh tụ, trong đó Búp sen xanh được tái bản nhiều lần, đã được dịch ra tiếng Anh, lượng ấn hành gần một triệu bản, nhà văn Sơn Tùng đã thành công trong việc khắc tạc một cách chân xác và sâu sắc hình tượng Bác Hồ từ tuổi thơ và ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời vĩ đại của Người. Tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng liên tục tái bản và có tác động sâu sắc vào tư duy, tình cảm của nhiều tầng lớp độc giả, nhất là góp phần hình thành nhân cách cho giới trẻ.

*
*      *

Vẫn như mọi ngày…
Không! Đó là một ngày định mệnh…
Gần sáng ngày 26 tháng 6 năm 2010, nhà văn Sơn Tùng trở dậy, ông tắm gội sạch sẽ, thắp hương các ban thờ danh nhân và tổ phụ trong nhà rồi tập thiền trước khi ngồi vào bàn viết… Thói quen này ông vẫn giữ từ khi ở chiến trường ra… Thật không thể ngờ được, giữa lúc ông đang nhập thiền thì huyết áp lên đến 240/110, căn bệnh xuất huyết não đến đột ngột quật ngã ông. Hơn một tiếng đồng hồ sau, gia đình đã đưa ông vào cấp cứu ở A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Nghe tin nhà văn Sơn Tùng bị trọng bệnh, dù đang bận công tác tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã gọi điện ra hỏi thăm. Và lúc 10h30 phút ngày 30-6-2010 Chủ tịch đã đến thăm nhà văn tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Chủ tịch nước nói với các bác sỹ: “Anh Sơn Tùng và tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Nam bộ. Khi anh Sơn Tùng bị thương nặng, tôi là người cõng anh ấy đi cấp cứu. Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”. Rồi chủ tịch đi thẳng vào buồng bệnh, nơi đang cấp cứu cho nhà văn Sơn Tùng. Chủ tịch chia sẻ và an ủi bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn, và cùng bà Phan Hồng Mai đứng lặng bên giường bệnh nhà văn. Bà Phan Hồng Mai lay gọi nhà văn: “Anh Sơn Tùng ơi, người bạn thân thiết của anh ở chiến trường, Anh Nguyễn Minh Triết, chủ tịch Nước đến thăm anh đây”.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nắm lấy bàn tay cầm bút bị thương còn có 3 ngón của nhà văn. Và như cảm nhận được hơi ấm nhà văn cũng siết lấy bàn tay chủ tịch. Nhà văn mở mắt nhìn chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Chủ tịch cúi xuống nhìn sâu thẳm vào đôi mắt nhà văn. Chủ tịch nói: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi rất xúc động khi nghe tin anh bị tai biến. Các bác sỹ nói với tôi, sức khoẻ của anh hôm nay đã tốt lên nhiều rồi. Anh phải cố gắng lên. Ngày xưa bom đạn Mỹ quật anh đến thế, mà anh vẫn vượt qua, bệnh tật này nghĩa lý gì, anh cố gắng lên”. Nhà văn dù chưa nói được, nhưng ông gật gật đầu đồng cảm và hai người lại thiết tay nhau…
Và gần bốn tháng sau đó, khi nhà văn Sơn Tùng chuyển từ khu điều trị A9 Bệnh viện Bạch Mai sang bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương, 3h chiều ngày 21 tháng 10 năm 2011 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại đến thăm nhà văn lần thứ 2.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nghe các bác sỹ báo cáo, rồi với vẻ xúc động, ông nói:
- Anh Sơn Tùng gắn bó với tôi từ năm 1968 ở chiến trường Nam bộ. Hồi đó anh làm báo, làm tuyên huấn. Anh Sơn Tùng thuộc lớp trên của tôi. Khi anh Sơn Tùng bị thương, tôi cũng có mặt ở đó chăm sóc anh. Sau này, anh đã vượt lên thương tật, trở thành nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm tiêu biểu của anh là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về Bác Hồ được rất nhiều bạn đọc đón nhận và yêu mến. Khi biết tin anh bị tai biến, tôi đã đến thăm anh ở bệnh viện Bạch Mai. Tôi mong các đồng chí hãy cố gắng, kết hợp các phương pháp chữa bệnh đông tây y, tìm kiếm các bài thuốc quý trong dân gian, nghiên cứu thêm để chữa cho các bệnh nhân. Các đồng chí cố gắng giúp chữa bệnh cho nhà văn Sơn Tùng.
Chủ tịch nước bước vào phòng nhà văn nằm. Gia đình nhà văn đứng cạnh chiếc xe lăn, nhà văn Sơn Tùng ngồi tựa vào thành xe, đôi mắt mở to, rực sáng. Có lẽ từ ngày bị bệnh, chưa bao giờ đôi mắt ấy lại mở to, tinh anh như thế. Chủ tịch nước cầm tay nhà văn và nói:
- Sức khỏe của anh đã khá hơn rồi. Lần trước tôi đến, trông anh nguy kịch quá...
Nhà văn biểu lộ niềm vui. Ông cười. Điệu cười không thành tiếng. Ông chưa nói được. Bàn tay còn cử động nâng lên.

*
*      *

Sau khi nhà văn Sơn Tùng từ bệnh viện về, bà Hồng Mai vợ nhà văn cố thu xếp kê chiếc giường nhỏ ngay trong phòng khách, nơi mọi người vẫn đến ngồi bệt xuống nền nhà nghe nhà văn nói chuyện. Trước đây, để tiết kiệm không gian nhỏ hẹp làm nơi tiếp khác, nhà văn Sơn Tùng không kê giường mà nằm ngủ luôn trên tấm phản kê trên nền nhà trong phòng văn đầy ắp sách vở của ông.
Khi bị thương ở chiến trường trở về Hà Nội, nhà cũ trước khi đi B đã trả cho Nhà nước, ông không nhận lại được. Dù là người có cống hiến, có tiêu chuẩn được cấp nhà nhưng ông lại phải ở trong một căn phòng nhỏ dựa vào tiêu chuẩn của vợ. Khi tiểu thuyết Búp sen xanh ra đời, sau những hiểu nhầm đáng tiếc và sự phê phán của một số nhà phê bình định kiến, cuối cùng thì sự việc đã đến tai thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đã đọc và rất xúc động, rồi mời nhà văn lên trò chuyện. Sau đó Thủ tướng đã đích thân viết lời tựa cho Búp sen xanh tái bản lần thứ nhất, khẳng định “tiếng nói có trọng lượng nhất thuộc về bạn đọc, nghĩa là nhân dân”. Quý mến tài năng và nghị lực của nhà văn Sơn Tùng, biết nhà văn còn bị thiệt thòi nhiều, Thủ tướng có nhã ý sẽ cấp nhà cho ông, nhưng lúc ấy còn có bao định kiến hẹp hòi. Nhà văn Sơn Tùng đã cám ơn Thủ tướng và nói rằng ông xin được không nhận, e rằng có người lại hiểu nhầm nhà văn viết sách về Bác Hồ rồi tìm đến Thủ tướng xin nhà.
Đầu những năm 90, chính quyền địa phương có ý định cấp nhà tình nghĩa cho nhà văn Sơn Tùng. Nhạc sỹ Văn Cao và nhiều bạn hữu lúc đó có ý kiến: “Sơn Tùng là cán bộ trung cao cấp, hoạt động cách mạng từ năm 1944, sao không cấp nhà cho Sơn Tùng theo tiêu chuẩn cán bộ mà lại cấp nhà tình nghĩa?” Không biết nhà văn có nghĩ thế không, nhưng một lần nữa, ông lại từ chối nhận nhà tình nghĩa mà nhường lại cho người khác khó khăn hơn. Thế rồi cho đến tận ngày nay, trong một căn phòng tập thể chật hẹp, cũ kỹ, không khép kín, nhà văn Sơn Tùng vẫn ngày ngày vượt lên trên thương tật, vượt lên trên những khó khăn về đời sống vật chất do đồng lương hưu ít ỏi để viết về Bác Hồ, viết về các danh nhân cách mạng, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đấu tranh không mệt mỏi với những sự tha hoá, tiêu cực trong xã hội.
Bây giờ thì cơn tai biến hiểm nghèo đã làm cho sức khỏe của ông cạn kiệt. Ông chẳng đòi hỏi gì. Đời ông là một cuộc chiến đấu lâu dài với kẻ thù ngoài chiến trận, với thương tật nặng nề, với sự tha hóa diễn ra trong xã hội. Đời ông là sự cống hiến không ngừng nghỉ. Gắn bó với cách mạng từ thuở nhỏ, hy sinh quên mình vì nghĩa lớn. Ông cầm bút viết văn với tất cả khát vọng trong sáng, linh thiêng và đã để lại cho đời những trang viết có sức cảm hóa, lay động sâu sắc, vượt qua thách thức của thời gian…

                                                                Hà Nội tháng 3-2011
                                                                                T.S



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét